Có mặt khắp mọi nơi
PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng cho biết, phthalates có trong nhiều sản phẩm gia dụng hiện diện khắp nơi trong đời sống như đồ chơi trẻ em, túi nhựa, giấy bóng gói thực phẩm, mực, sơn, keo xịt tóc, chất khử mùi... Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, chất này cũng được dùng để ổn định màu sắc, hương thơm, giảm độ giòn trong nước sơn móng, giúp gel tóc mềm hơn... Trong đồ chơi trẻ em nhất là các loại búp bê thì chất này có tác dụng làm dẻo đến mức độ như người thật.
TS Đặng Chí Hiền, Trưởng Phòng Thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ hóa học (VAST) cho rằng: Bàn làm việc bằng gỗ ép, nhựa giả gỗ, đến cái rổ, chậu rửa rau, dây điện thoại hay một số loại nấm ăn bán ngoài chợ được nuôi trong túi nilon cũng có thành phần phthalates.
Các chuyên gia cho biết, chất này xâm nhập cơ thể thông qua hệ hô hấp và da. Vì thế, trong quá trình sử dụng, các dẫn chất phthalates thôi ra và theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người. Trẻ dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa có chứa hàm lượng phthalates cao sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc. Phthalates can thiệp vào quá trình nội tiết, làm rối loạn hệ thống hormon giới tính và gây dậy thì sớm ở cả bé gái và trai. Ngoài ra, chất này còn làm giảm số lượng và khả năng hoạt động của tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam và ung thư vú ở nữ.
|
Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu thì đồ chơi được coi là không an toàn
nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm. |
Búp bê đồ chơi "ngậm" chất tạo dẻo
Trong khi Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ triển khai đợt kiểm tra đồ chơi trẻ em trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc, thì thông tin từ Bộ Y tế Cộng hòa Czech cho hay, loại búp bê Lovely Girl của Trung Quốc làm từ vật liệu chứa chất phthalates độc hại. Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu thì đồ chơi được coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm, trong khi búp bê Lovely Girl chứa phthalates chiếm hàm lượng 13,8% trọng lượng sản phẩm.
Theo ghi nhận thị trường đồ chơi trẻ em tại TPHCM, từ các tiệm tạp hóa cho tới các siêu thị, nhà sách đều bán búp bê xuất xứ Trung Quốc, trong đó có búp bê Lovely Girl với đủ màu sắc bắt mắt. Trên một đoạn đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp có tới 2 - 3 tạp hóa bán đồ chơi trẻ em. Nhân viên bán hàng cửa hàng hiệu S.S cho biết: Đồ chơi búp bê Trung Quốc giá từ vài chục nghìn tới hơn 200.000đ/món. Hàng có tem kiểm định không phải lo!".
Bà Trần Thị Hường, chủ cửa hàng tạp hóa đồ chơi cho trẻ gần chợ Gò Vấp, cầm hộp chứa búp bê Lovely Girl giới thiệu: "Loại này giá hơn 100.000đ/bộ. Tôi nhập hàng về có sao bán vậy, trẻ chơi vài lần rồi bỏ lo gì chất này, chất kia".
Trong số các đồ chơi búp bê Trung Quốc còn có búp bê cho bé trang trí màu tóc với những tuýp nước màu sền sệt được đóng chung với hộp chứa búp bê, người bán giới thiệu là thuốc nhuộm tóc cho búp bê. Nhiều người lo ngại về sự an toàn cho trẻ khi các em lỡ bôi quệt lên da, lên mắt và ngửi mùi.
Tại Hà Nội, búp bê Lovely Girl được bày bán khá nhiều tại phố đồ chơi trẻ em Lương Văn Can. Theo một người bán hàng nơi đây, búp bê này được nhiều trẻ em và các bậc phụ huynh ưa thích do hình dáng đẹp, màu sắc bắt mắt, quần áo thời trang... Không những chỉ có loại búp bê này, nhiều loại búp bê khác cũng được bày bán một cách tràn lan từ siêu thị đến cửa hàng đồ chơi, thậm chí cả ở cửa hàng tạp hóa. Giá cả dao động từ 5.000 - 7.000đ đến hàng trăm nghìn đồng.
Chị Đỗ Thị Lý, ngụ tại phường 17, cư xá 26, quận Gò Vấp trăn trở: "Bé gái rất thích loại đồ chơi là công chúa búp bê, nhìn hàng trong siêu thị cũng giống không khác gì hàng ngoài chợ. Mua cho con chơi nhưng tôi vẫn lo lắng những chất độc hại trong đồ chơi gây nguy hiểm cho con. Vì khi chơi đồ chơi cháu vẫn hay ngậm đồ chơi vào miệng, thậm chí thơm búp bê...
Trẻ nhỏ cơ thể dễ mẫn cảm với các loại hóa chất, trong khi đó các đồ chơi cho trẻ đa số bằng nhựa được sản xuất tại Trung Quốc. Do đó, cơ quan chức năng nên kiểm tra thêm nhiều hóa chất độc hại khác nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ chứ không riêng gì nhóm chất phthalates. Phụ huynh cần đọc kỹ nhãn mác của các sản phẩm đồ chơi cho các bé để chắc chắn, sản phẩm đó an toàn và không chứa phthalates.
TS Đặng Chí Hiền (Viện Hóa học TPHCM)
|
Hiền Hương