Theo Nikkei, vào cuối tháng 12/2019, Central Nippon Expressway đã lắp đặt 20 nhà vệ sinh tại Khu vực dịch vụ Ebina trên đường cao tốc Tomei. Mỗi bên đường có 10 nhà vệ sinh, những nhà vệ sinh này có thể đo lường sự mệt mỏi của tài xế và cho họ biết khi nào cần nghỉ ngơi.
Mọi người vào các trạm nghỉ chân nơi đây và làm "công việc của họ". Ngay trong nhà vệ sinh có các cảm biến có thể đo lường tình trạng sức khỏe của tài xế hoặc hành khách. Khi họ ngồi xuống, các cảm biến sẽ hoạt động. Mọi người có thể nhấn nút để đo nhịp tim. Chỉ mất khoảng 1 phút để cảm biến kiểm tra tình trạng sức khỏe, đặc biệt là của tài xế. Nếu tài xế có tình trạng sức khỏe tốt, màn hình xanh sẽ hiện ra. Còn nếu tài xế "hơi mệt", màn hình màu vàng sẽ hiện ra cho thấy tài xế nên nghỉ ngơi thêm. Màn hình đỏ nghĩa là tài xế đã mệt rồi và cần nghỉ ngơi.
|
Ảnh minh họa. |
"Thật sự hữu ích khi nhà vệ sinh có thể đo lường được mức độ mệt mỏi của tôi. Có lẽ tôi cần nghỉ ngơi nhiều hơn", một tài xế 50 tuổi sử dụng toilet công nghệ cao nói.
"Chúng tôi hy vọng các nhà vệ sinh sẽ giúp lái xe hiểu rõ hơn về tình trạng thể chất của họ và lái xe an toàn", đại diện của Central Nippon Expressway tại Yokohama cho biết.
Tháng 8 năm ngoái, nhà sản xuất phụ kiện vệ sinh Nhật Bản Toto, nổi tiếng với nhà vệ sinh Washlet, đã tu sửa các nhà vệ sinh công cộng ở gần đền Itsukushima ở Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima.
Khu vực đền Itsukushima đã được UNESCO công nhận là một di sản thế giới. Số lượng nhà vệ sinh ở đây đã tăng từ 4 lên 26, và có cả nhà vệ sinh cho trẻ em và người khuyết tật, sử dụng xe lăn. Các phòng vệ sinh của phụ nữ rộng rãi hơn, cho phép họ rửa tay, chỉnh sửa trang phục trong phòng. Các nhà vệ sinh cũng hiển thị đa ngôn ngữ. Khách du lịch có thể học cách sử dụng các chức năng trên màn hình bằng năm ngôn ngữ: Nhật Bản, Anh, Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhà vệ sinh công cộng đang được xây dựng, cải tiến để đáp ứng số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản trước Thế vận hội. Nhiều thành phố nâng cấp nhà vệ sinh theo lời kêu gọi của chính phủ. Sân bay quốc tế Narita, phục vụ vùng đại Toyko (Greater Tokyo), đang chi khoảng 5 tỷ yên (45,8 triệu USD) để nâng cấp nhà vệ sinh ở khoảng 150 địa điểm.
"90% nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản đã được chuyển đổi sang kiểu nhà vệ sinh phương Tây", một phát ngôn viên của Toto nói.
Nhà vệ sinh công cộng sẽ tạo ấn tượng lâu dài. Theo khảo sát của Toto, 73% khách du lịch nước ngoài cho biết nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ sẽ cải thiện hình ảnh của một nơi họ đến.
"Mặc dù các cơ sở công cộng được cải thiện mạnh mẽ, nhưng nếu nhà vệ sinh lỗi thời sẽ làm khiến hình ảnh bị ảnh hưởng", Atsushi Kato, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Japan Toilet Labo cho biết. Thế vận hội là một động lực để Nhật Bản cải tạo các nhà vệ sinh công cộng, phục vụ tốt hơn cho người khuyết tật và du khách nước ngoài.
Các nhà khai thác đường sắt cũng đang cố gắng để nhà vệ sinh ở các nhà ga trở nên tiện nghi hơn. Trong khi nhiều nhà ga chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh "đa chức năng" lớn, Tokyu, tuyến đường sắt tư nhân hoạt động ở Greater Tokyo, đã thiết lập hai nhà vệ sinh ở ga Futako-Tamagawa. Ngoài ra, tại các nhà ga lớn hơn cũng có những nhà vệ sinh lớn hơn.
Odakyu Electric Railway thậm chí bắt đầu có một dịch vụ tại ba nhà ga bận rộn - Shinjuku, Shimokitazawa và Yamato - cho phép hành khách kiểm tra xem buồng vệ sinh nào đang có người sử dụng, và buồng vệ sinh nào đang trống. Dịch vụ này hoạt động trên một ứng dụng điện thoại, rất tiện lợi cho những ai đang cần gấp "đi theo tiếng gọi của thiên nhiên".
Nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản được nâng cấp theo từng giai đoạn. Các nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật bắt đầu phổ biến vào cuối những năm 1990. Nhà vệ sinh đa chức năng bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ.
Giảm tắc nghẽn mãn tính tại nhà vệ sinh đa chức năng là một vấn đề cấp bách. Những nhà vệ sinh này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của cả người sử dụng xe lăn và gia đình họ, người già, những người có nhu cầu y tế đặc biệt và dân tộc thiểu số. Do đó, nhà vệ sinh đa chức năng luôn bận rộn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người.
Những nhà vệ sinh này thường rất đông người bởi vì đó là những nơi duy nhất có bàn để y tá, người nhà có thể thay tã, bỉm cho người già hoặc những người mắc bệnh đại tràng. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản đã đáp ứng nhu cầu mọi người bằng cách thúc đẩy nâng cấp các loại phòng vệ sinh.
Theo Hoàng Lan/VnReview