Điều này khiến việc truy cập truy cập internet quốc tế tại Việt Nam có thể bị chậm dù một số nhà mạng sẽ ứng cứu thông tin, định tuyến lưu lượng qua các hướng đi quốc tế khác.
|
Tối 7/6, bắt đầu ngắt cáp quang biển AAG để sửa chữa. |
Theo thông báo từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia America Gateway - AAG), hệ thống tuyến cáp này sẽ bắt đầu tiến hành sửa chữa, khắc phục sự cố từ ngày 7/6. Cụ thể, từ 19h (giờ Việt Nam), thông tin liên lạc, tín hiệu đường truyền có thể bị chập chờn hoặc mất hoàn toàn. Dự kiến, tuyến cáp AAG sẽ chỉ hoạt động trở lại bình thường sau 10 ngày nữa vào lúc 7h ngày 17/6.
Trước tình hình trên, các nhà mạng đã lên kế hoạch chuyển hướng, định tuyến lưu lượng qua các hướng đi quốc tế khác. Trong số các phương án, nhà mạng Viettel đã thông báo sẽ sử dụng tuyến cáp biển IA mới xây dựng. Cụ thể, Viettel bổ sung thêm dung lượng 30Gbps, trong đó 20Gbps phục vụ kết nối trên hướng quốc tế đi qua cáp quang biển Liên Á (IA) và 10 Gbps trên hướng đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom. Đồng thời, Viettel cũng tiến hành điều chuyển 20Gbps từ tuyến cáp AAG sang hướng đất liền. Các nhà mạng khác cũng chuyển dữ liệu qua các tuyến cáp biển cũ và các kết nối trên đất liền.
Dù đã có phương án ứng cứu thông tin nhưng việc truy cập một số dịch vụ internet quốc tế như mail, youtube, Facebook ... nhiều khả năng vẫn có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, người dùng vẫn có thể phải sử dụng một số giải pháp tình thế để giúp việc truy cập internet bớt gián đoạn như thay đổi sử dụng DNS (hai địa chỉ DNS phổ biến là OpenDNS và Google Public DNS), sử dụng một mạng riêng ảo VPN ...
Như vậy, đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm tuyến cáp AAG gặp sự cố (2 lần đứt) với thời gian sữa chữa kéo dài trung bình 2 tuần đã gây ra không ít bất tiện cho người dùng trong nước khi truy cập các website, dịch vụ quốc tế. Người dùng hi vọng lần khắc phục sự cố này sẽ giúp cho tuyến cáp quang AAG ổn định hơn.
Theo Nghe nhìn Việt Nam