Vừa qua, báo VOV dẫn nguồn từ AFP, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm mẫu nước của hơn 250 chai nước tại 9 quốc gia, trong đó có Lebanon, Ấn Độ hay Mỹ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Sherri Mason thuộc Đại học bang New York.
Kết quả cho thấy, hạt nhựa được tìm thấy thấy trong 93% số mẫu nước đóng chai được thu thập thuộc nhiều thương hiệu lớn như Aqua, Aquafina, Dasani, Evian, Nestle Pure Life hay San Pellegrino.
Theo TTXVN, nghiên cứu còn phát hiện 65% trong số hạt nhựa li ti này ở dạng mảnh nhỏ, chứ không phải là các sợi nhựa. Nhà nghiên cứu Mason nhận định rằng các hạt phân tử nhựa lọt vào nước từ quá trình đóng chai, cụ thể từ nắp chai nhựa, với số lượng từ 0 đến hơn 10.000 hạt phân tử nhựa trong mỗi chai nước.
|
Nước đóng chai của nhiều hãng nổi tiếng thế giới bị nhiễm bẩn hạt nhựa. Ảnh: BBC |
Theo tính toán của các nhà khoa học, kích thước trung bình của mỗi hạt phân tử nhựa vào khoảng 100 micron (khoảng 0,1mm) và mỗi lít nước chứa trung bình 10,4 hạt phân tử nhựa. Thử với chai nước của các hãng Bisleri, Epura, Gerolsteiner, Minalba và Wahaha đều cho kết quả tương tự. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu sâu về những nguy cơ đe dọa sức khỏe do hấp thụ các loại hạt nhựa này vào cơ thể. Tuy nhiên, bà Mason cho rằng không thể loại trừ mối liên hệ giữa việc đưa các hạt nhựa này vào cơ thể với việc gia tăng một số loại bệnh ung thư, cũng như chất lượng và số lượng tinh trùng ở nam giới suy giảm hay các bệnh tự kỷ.
Trao đổi với tiến sĩ Trần Quang Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, về vấn đề này, tiến sĩ Vinh nêu quan điểm, hạt nhựa tìm thấy trong nước có thể được tạo ra do ma sát trong khâu đóng xoáy nắp chai.
Theo tiến sĩ Vinh, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều chưa có nghiên cứu cụ thể để đưa ra kết luận rõ ràng về vấn đề hạt nhựa khi xâm nhập vào cơ thể con người gây ra những ảnh hưởng sức khỏe ra sao.
|
Tiến sĩ Trần Quang Vinh khuyến cáo sử dụng vật liệu nhựa đúng cách. |
Tuy nhiên, tiến sĩ Vinh cho biết thêm: "Nhựa là vật chất có thời gian phân hủy sinh học rất lâu, có thể lên đến hàng trăm năm đối với nhựa tổng hợp. Do đó, nếu chúng tích tụ lâu trong cơ thể đến một mức độ nào đó thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với sức khỏe. Còn mức độ nào và gây hại cụ thể ra sao thì cần làm rõ bằng những nghiên cứu khoa học".
Ông Vinh khuyến cáo, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm, vật liệu bằng nhựa, vì vậy, cần phải lưu ý cách sử dụng chúng sao cho an toàn nhất. Chẳng hạn nước đóng chai, không được để chúng trong môi trường nhiệt độ cao bởi khi đó, những chất phụ gia trong nhựa sẽ giải phóng vào nước. Những chất này không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, việc sử dụng túi nilon tái chế để đựng thức ăn nóng như thói quen của nhiều người là hoàn toàn không nên, cần phải bỏ ngay.
Còn với những sản phẩm nhựa dùng cho lò vi sóng, đựng nước đá trong tủ lạnh phải mua loại nhựa có đặc tính chịu được ảnh hưởng của môi trường đặc thù.
Ngoài ra, mọi người cần nâng cao ý thức trong quá trình xử lý chất thải nhựa, không được vứt bừa bãi ra môi trường, tránh việc đốt chất thải nhựa mà không có sự kiểm soát bởi đơn vị chuyên môn.
Theo Minh Khuê/VietQ