“Thủ phạm” gây giật điện khi sạc điện thoại

Google News

(Kiến Thức) - Sự việc một nữ tiếp viên hàng không Trung Quốc bị điện giật chết trong khi nghe điện thoại đang sạc pin khiến dư luận lo ngại vì trước đó ở nước ta cũng có những tai nạn giật điện từ điện thoại đang sạc pin.

Giật do cách điện không đảm bảo
Giải thích về cơ chế của sạc pin điện thoại, Phùng Anh Tuấn, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về mặt nguyên tắc, sạc điện thoại phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như hiệu suất, kích thước. Bên cạnh đó, yêu cầu về an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Một trong những chỉ tiêu an toàn là cách ly về điện giữa hai phần đầu vào điện áp cao (220V) và phần đầu ra điện áp thấp (5V). "Sạc điện thoại bao hàm cả thiết bị chuyển đồi nguồn điện từ 220V xuống 5V. Thiết bị này chính là phần hộp lớn nhất nằm phần đầu vào của sạc".  
TS Phùng Anh Tuấn cho biết, sạc điện thoại cần có các tiêu chuẩn cụ thể như tiêu chuẩn cách điện giữa đầu ra với đầu vào được quy định tùy theo hệ thống tiêu chuẩn của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, đó là tiêu chuẩn TCVN-7447 (tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế IEC 60364). Tiêu chuẩn chống cháy nổ cũng là một tiêu chuẩn cần đạt. Về chống cháy nổ phải đạt tiêu chuẩn UL-94 (Hoa Kỳ).  
Tuy nhiên, những chỉ tiêu an toàn và tiêu chuẩn nêu trên không được đảm bảo với những thiết bị sạc pin trôi nổi, "hàng lô", hàng rởm bán nhan nhản trên thị trường. "Mặc dù điện áp đầu ra có thể thấp, tức 5V, nhưng nếu không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly giữa phần đầu vào và đầu ra của điện áp, khi xảy ra hư hỏng cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào. Nói cách khác, nếu xảy ra hư hỏng cách điện bên trong, điện áp đầu ra sẽ chính là điện áp nguồn 220V. Lúc này không những gây cháy điện điện thoại do điện áp cao mà cũng gây giật nếu người dùng chạm vào điện thoại", TS Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh. 
Không nên vừa nghe điện thoại vừa sạcpin. 
Mua hàng chính hãng, không dễ
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay thiết bị sạc pin cho điện thoại thông minh, nhất là iPhone được bày bán tràn lan, thậm chí để mua hàng chính hãng không phải dễ. Cùng một chiếc sạc điện thoại Iphone 4 nhưng tại Nhật Cường Mobile được bán với giá 350.000đ, trong khi tại chợ giời chúng tôi chỉ mua với giá 50.000đ, hay tại một số địa chỉ khác có giá từ 200.000 - 250.000đ. Theo nhân viên bán hàng của Nhật Cường Mobile sạc 350.000đ là hàng Trung Quốc loại 1, bảo hành 1 tháng. Còn hàng tại thị trường có giá mấy chục nghìn đồng là hàng loại kém chất lượng. Nhưng khi chúng tôi hỏi mua sạc điện thoại iPhone 4 hàng chính hãng, nhân viên này cho rằng: Cửa hàng không có và cũng không biết nơi nào bán.
TS Phạm Hồng Thịnh, Bộ môn Kỹ thuật điện cao áp và Vật liệu điện, Viện điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, sử dụng sạc pin không chính hãng không chỉ có nguy cơ về cháy nổ do chập điện mà nguy cơ về sạc không đủ điện áp khiến pin chạy không tốt. Điều này cũng đồng nghĩa nguồn điện không tương thích với đặc tính kỹ thuật của pin nên có thể tiếp dẫn đến việc nóng máy, hỏng các chi tiết khác của điện thoại hay gây cháy nổ máy khi sử dụng.  
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc sử dụng các phụ kiện thay thế không rõ nguồn gốc, việc vừa sạc điện thoại vừa nghe gọi là thói xấu cần loại bỏ. Khi sử dụng cần sạc đầy pin sau đó rút ra mới dùng để nghe gọi, nhắn tin... Khi sạc pin cũng cần để nơi thoáng mát, tránh để trên các vật liệu có thể ủ hơi nóng như đệm, chăn... Khi các thiết bị bị hỏng cần thay thế bằng hàng chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ, có bảo hành. Tránh lạm dụng các thiết bị hỗ trợ như sạc pin gắn liền với máy...    
Khảo sát nhỏ trong phạm vi 20 người cho thấy 100% trong số này cho biết họ thường xuyên có thói quen vừa sạc điện thoại vừa nghe gọi. Thậm chí, có người vừa sạc điện thoại vừa chơi điện tử, vào mạng internet... khiến máy nóng nhưng người dùng không quan tâm nhiều. Hay có những người tay ướt vẫn cầm điện thoại đang sạc để nói chuyện... 
Hiền Dung