Thông số kỹ thuật của loa nói lên điều gì?

Google News

(Kiến Thức) - Các thông số kỹ thuật của loa như kích thước, trọng lượng, trở kháng... là những mối băn khoăn hàng đầu của nhiều người khi đi mua loa.

Giống như những thiết bị nghe nhìn khác, khi mua loa người dùng dễ gặp phải tình trạng bối rối trước bảng thông số kỹ thuật của loa mà nhà sản xuất đề ra cho sản phẩm của họ. Trong khi đó, nếu hiểu được thông số kỹ thuật , người dùng dễ đánh giá được sơ bộ giá trị và khả năng thực sự của loa. 
Thong so ky thuat cua loa noi len dieu gi?
 Ảnh minh họa.
Kích thước và trọng lượng loa 
Kích thước loa là thứ dễ nhận  thấy nhất. Tuy nhiên, các cặp loa của mỗi hãng thường được theo một phong cách riêng, nhằm tối ưu âm học dựa theo công nghệ và kỹ thuật chế tác của hãng. Do đó khi xem xét về các thông số về kích thước thì người dùng nên để ý đến thể tích (thường mường tượng bằng mắt) và trọng lượng của loa. 
Xét theo yếu tố kích thước và thiết kế, loa nghe nhạc truyền thống thường được chia ra thành 2 loại là bookself (loa kệ sách) và floor standing (loa đứng sàn) hay còn được gọi là loa tháp (tower). Loa kệ sách thường có thiết kế nhỏ hơn so với loa đứng sàn. 
Thong so ky thuat cua loa noi len dieu gi?-Hinh-2
Ảnh minh họa.
Nhìn chung, với những cặp loa hiend thực sự thì loa to và nặng sẽ có chất lượng âm thanh tốt hơn loa kích thước nhỏ và trọng lượng nhẹ.  Đặc biệt, loa càng lớn và càng nặng thì khả năng tiếng bass chắc, sâu và chính xác càng nhiều. Ngoài ra, thùng loa càng lớn thì nhà sản xuất càng có nhiều cơ hội để tạo ra ma trận phức tạp cho âm thanh ở bên trong hơn. 
Những cặp loa đứng sàn có thùng loa lớn thường yêu cầu diện tích phòng nghe cũng phải tương xứng để phát huy tác dụng. Ngược lại, nếu phòng nghe quá nhỏ thì loa kệ sách sẽ là lựa chọn hợp lý hơn cho người dùng. 
Độ nhạy của loa (sensitivity) 
Một thông số quan trọng khác cần quan tâm khi mua loa đó là độ nhạy của loa. Độ nhạy thường được tính bằng đơn vị decibel (dB), và dùng để mức áp suất âm thanh mà loa có thể tạo ra.  Ví dụ, loa có độ nhạy 88dB sẽ cung cấp mức áp suất âm thanh 88 decibel với nguồn điện vào 1 watt và đo ở khoảng cách 1 mét. 
Biết được thông số này bạn có thể chọn được công suất đầu ra phù hợp cho ampli phối ghép. Thông thường loa có độ nhạy càng cao thì càng dễ đánh, còn loa có độ nhạy càng thấp thì càng khó đánh (cần công suất đầu ra của ampli cao). 
Một vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất đó là loa có độ nhạy cao nghe sẽ hay hơn hay dở hơn so với loa có độ nhạy thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là chất lượng của một cặp loa sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ thiết kế, chất liệu của thùng loa, củ loa cho đến thiết bị phối ghép. Do đó, độ nhạy không nói lên chất lượng của loa mà chỉ cung cấp cho người nhìn cái nhìn rõ hơn về mối tương quan về công suất của loa và ampli. 
Trở kháng  
Trở kháng của loa thường được nhà sản xuất chọn ở mức phổ biến là 4 ohm, 6 ohm hoặc 8 ohm. Trở kháng này do cuộn dây bên trong loa quyết định. Biết được trở kháng, người dùng sẽ biết được khả năng tương thích với ampli dùng trong phối ghép. 
Loa có trở kháng càng lớn thì ampli càng dễ "lái" (drive). Loa có trở kháng 8 ohm sẽ dễ "lái" hơn so với loa 4 ohm. Thông thường, các nhà sản xuất ampli sẽ liệt kê công suất đầu ra theo từng loại trở kháng để người dùng có căn cứ phối ghép.
Tần số đáp ứng 
Tần số đáp ứng là thông số biểu diễn khả năng tái tạo tần số từ mức thấp nhất tới cao nhất của loa. Ví dụ loa có tần số đáp ứng từ 30Hz - 30kHz sẽ có khả năng tái tạo âm trầm thấp nhất là 30Hz và âm cao cao nhất là 30kHz. 
Tần số đáp ứng của loa không cho biết cặp loa đó nghe hay hay nghe dở. Thêm vào đó, thông số này cũng được nhiều người đánh giá cao bởi nó thường được các nhà sản xuất công bố nhằm mục đích quảng bá. Ngoài ra, các quy chuẩn đo đạc cũng không được các nhà sản xuất thống nhất dẫn đến việc thiếu hụt độ tin cậy và tính tham chiếu. 
Quốc Thiên