Ứng dụng rộng rãi
Theo khảo sát thị trường, công nghệ thông minh được ứng dụng rộng rãi vào các thiết bị điện gia dụng từ đèn, điều hòa, quạt điện, hệ thống đóng và mở cửa... Theo giới thiệu của anh Nguyễn Hải Phong, cửa hàng đồ điện tại phố Vọng (Hà Nội), hiện sản phẩm điện thông minh có nhiều hãng, thuộc nhiều nước khác nhau được nhập khẩu về Việt Nam. Trong nước cũng có một số đơn vị sản xuất như Smarthome của BKAV...
Các sản phẩm đều có tích hợp các công nghệ khác nhau để sử dụng hợp lý. Tùy vào công nghệ, đơn vị nhập khẩu... sẽ có giá tương đồng. Nhưng nhìn chung, các sản phẩm đều có giá rất cao so với các sản phẩm bình thường. Thậm chí, có bóng đèn thông minh có giá hơn một triệu đồng/cái.
Nói về công nghệ, ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Biển bạc cho biết, công nghệ thông minh được ứng dụng theo hai hướng là riêng biệt và nằm ngay trong hệ thống thiết bị điện. Tùy thuộc vào các thiết bị sẽ có công nghệ thông minh khác nhau để sản phẩm đạt được sự tiện dụng và tiết kiệm điện nhất.
Ông này lấy ví dụ, đèn thông minh với công nghệ cảm ứng hồng ngoại để nhận diện khi có người đi vào khu vực cảm ứng để bật hoặc tắt. Với công nghệ này, người dùng sẽ lựa chọn vị trí để lắp sao cho phù hợp. Cụ thể, tại các cầu thang khu tập thể, nếu lắp đèn thông minh thì có người đi đến đèn sẽ bật, đồng thời tắt khi người đi. Điều này ngoài yếu tố tiện lợi còn giúp tiết kiệm điện cho cả khu dân cư. Tương tự, công nghệ cảm biến ánh sáng cũng có thể hỗ trợ bật, tắt đèn khi tối vào mùa đông hay mùa hè...
Cũng theo ông Trọng Vinh, không chỉ có đèn mà các thiết bị khác như điều hòa, quạt, vòi nước... đều có thể trở nên "thông minh". Các thiết bị điện này vì tích hợp nhiều công nghệ nên hầu hết có thể ứng dụng trong nhiều vị trí, địa điểm khác nhau như văn phòng, công cộng hay nhà ở.
|
Điểm hạn chế cao nhất của các thiết bị điện thông minh hiện nay chính là giá cả. |
Khó sửa chữa khi hư hỏng
Theo anh Nguyễn Hải Phong, điểm hạn chế cao nhất của các thiết bị điện thông minh hiện nay chính là giá cả. Nếu so với mặt bằng chung, các sản phẩm dạng này đều đang có giá khá cao so với các thiết bị điện, kể cả thiết bị điện cao cấp. Ngoài ra, người dân e ngại, vì sử dụng công nghệ nên nếu xảy ra hỏng hóc khó sửa chữa, thay thế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Vinh, dù giá ban đầu của sản phẩm có đắt hơn so với bình thường nhưng đó là số tiền đầu tư ban đầu. Thay vào đó, hiệu quả kinh tế chính là khả năng tiết kiệm điện năng và tiện lợi trong đời sống về lâu dài.
Còn TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật y sinh, Khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khả năng tiết kiệm điện dựa trên hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, khi lắp đặt người dân vẫn cần có sự cân nhắc, tính toán dựa trên mức đầu tư ban đầu và khả năng khấu trừ về lâu dài. Khả năng hiệu quả, tiết kiệm sẽ cao hơn khi sử dụng nơi đông người như công cộng, tập thể...
"Nếu một bóng đèn thông minh có giá khoảng một triệu đồng thì rõ ràng là quá đắt. Quá đắt này được so sánh với khả năng đầu tư, tỷ lệ khấu hao khi sử dụng, mức tiết kiệm so với bóng đèn thường. Trong khi đó, bóng đèn tuýp hiện nay với chấn lưu điện tử cũng đã được tích hợp khả năng tiết kiệm. Đấy là chưa kể, nếu trong quá trình sử dụng thiết bị hư hỏng thì phải bỏ đi hoặc thay mới", TS Nguyễn Phan Kiên lấy ví dụ.
Việc nhiều người dân lo lắng, vì tự động thiết bị bật tắt liên tục hay sử dụng nhiều công nghệ nên thiết bị điện thông minh dễ bị hỏng... TS Nguyễn Phan Kiên cho rằng, hầu hết các công nghệ của thiết bị đều có độ trễ nhất định để đảm bảo tính ổn định. Vì thế, người dân không lo giảm tuổi thọ của thiết bị.
Vân Đài