Theo chính sách tiêu chuẩn của các hãng, ngoài các bộ phận tiêu hao như pin hoặc các lớp phủ bảo vệ bị hao mòn dần theo thời gian, máy được bảo hành toàn bộ. Như vậy nguồn và màn hình sẽ được bảo hành nếu gặp lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng. Nhưng ở thị trường xách tay, hai thành phần này được coi là "nhạy cảm" và các thương gia sẽ không áp dụng bảo hành.
Các smartphone xách tay thường có giá thành rẻ hơn từ 1-2 triệu đồng so với hàng chính hãng và thường không bảo hành nguồn và màn hình - hai thành phần thay thế với giá cao - trong khi hãng có sẵn nguồn linh kiện để cung ứng. Các cửa hàng cũng đã cung cấp thêm các gói bảo hành vàng, bạc... nhằm tăng độ tin cậy cho khách hàng, đồng thời, lấy khoản chi phí may rủi đó đầu tư cho việc nhập thêm linh kiện thay thế.
Tiếp theo, khó xác định được ai là người có lỗi mỗi khi xảy ra những sự cố liên quan đến nguồn và màn hình. Ngoài ra, phần lớn các mẫu điện thoại xách tay trên thị trường được nhập về dưới dạng hàng cũ, máy trần, không hộp, không phụ kiện nhằm giảm tối đa chi phí. Khi về tới cửa hàng, các sản phẩm sẽ được bán kèm sạc, cáp chưa đủ tiêu chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng hỏng nguồn, loạn cảm ứng. Bên cạnh đó, do thói quen của người dùng, chập cháy điện dẫn đến những hậu quả nặng nề cho thiết bị.
Một quản lý cửa hàng cho hay: "Việc xác định lỗi nguồn hay màn hình cảm ứng khá phức tạp và nhạy cảm, thông thường sẽ không được bảo hành ngoại trừ hàng mới chưa qua sử dụng. Việc người dùng sử dụng sạc lô hay các nguyên nhân khách quan sẽ dẫn đến việc cháy chập nguồn và làm hư hỏng thiết bị. Nếu cửa hàng chấp nhận bảo hành cả hai chi tiết trên, khi xảy ra sẽ không có lãi".
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như chất lượng nguồn hàng, tỷ lệ lỗi cao, giá thành cũng dẫn đến chính sách có phần khắt khe của các thương gia.
Theo TechZ