Theo thống kê, trong số 252 ô tô cháy, có tới hơn 70% là xe chạy bằng diesel. Có ý kiến nghi ngờ rằng, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel làm cho xe cháy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghi ngờ này thiếu thuyết phục.
Không đủ căn cứ
Thông tin trên được công bố tại hội nghị Tổng kết thanh tra chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội. Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia về động cơ đốt trong và cơ khí động lực, thuộc LHH TPHCM cho biết, thời bao cấp, hàm lượng lưu huỳnh có trong dầu diesel tuỳ loại DK 1 (Diesel Kraftstoff - Nhiên liệu cho động cơ diesel), DK2 và DK 3 cho phép theo tiêu chuẩn TGL của Cộng hòa dân chủ Đức công bố năm 1968 lần lượt là 0,5%, 1,5 % và 0,8 % . Khi đó, ở Liên Xô cũ và Trung Quốc cũng theo tiêu chuẩn này.
Vậy tại sao thời đó ô tô lắp động cơ Diesel chạy ở miền Bắc với đủ loại như IFA (Đông Đức), Scepel (Hungarie), Maz, Kraz ( Liên xô)... không cháy vì hàm lượng lưu huỳnh? Và cho đến nay, nước ta vẫn nhập dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh là 5%. Cho nên, việc nghi ngờ do hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel làm cho xe cháy là thiếu thuyết phục về mặt kỹ thuật nhiên liệu và vật liệu bôi trơn dùng cho phương tiện vận tải.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích thêm, nếu nói dầu diesel là nguyên nhân gây cháy xe cần phải xem xét lại một cách có bằng chứng khoa học. Còn trường hợp dầu bị rò phun vào ống xả nóng vẫn có thể gây cháy, tuy nhiên trường hợp này được xem là tương tự trường hợp chuột cắn dây điện. Vì thế, để chính xác cần có sự vào cuộc của các đơn vị nghiên cứu khoa học chứ không thể căn cứ trên các con số cháy xe.
|
Chưa thể khẳng định diesel ngậm lưu huỳnh gây cháy xe. |
Vẫn tiếp tục đi tìm nguyên nhân
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng: Không khó để tìm nguyên nhân chính gây cháy xe chạy bằng diesel. Đó là do cách sử dụng và khai thác xe của những ông chủ xe thời kinh tế thị trường và sự thiếu ý thức trong bảo dưỡng xe.
Trong đó, có thể nhận ra hai nguyên nhân chính. Một là xe buộc phải chở quá tải. Thậm chí quá tải không tưởng tượng được, một phần vì lợi nhuận của chủ xe. Quá tải thì máy nóng. Càng quá tải, máy càng nóng và nóng liên tục, nóng không ngừng nghỉ trên các cung đường phải chạy miệt mài. Vì thế, có thể khẳng định nóng máy vì động cơ phải chạy quá tải chứ không phải vì dầu diesel ngậm lưu huỳnh.
Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến là việc các chủ xe ít khi tự giác đưa xe vào các trạm bảo dưỡng, tiểu tu đúng theo quy định của chế độ chăm sóc kỹ thuật theo quy định. Vì đưa xe vào trạm bảo dưỡng, tiểu tu là xe phải ngừng chạy. Ngừng chạy là mất hợp đồng, chủ xe thất thu. Chính nguyên nhân thứ hai này dẫn đến không đảm bảo cho kỹ thuật an toàn chạy xe, là nguyên nhân của việc tắc bàu lọc, của việc rò rỉ nhiên liệu, của việc đóng chấu miệng vòi phun, phun không tơi nhiên liệu, gây cáu than trong buồng đốt, làm tăng tỷ số nén. Hậu quả là máy càng nóng, tạo môi trường dễ cháy cho xe nếu có nhiên liệu rò rỉ.
Ngày 31/10, Bộ KH&CN tổ chức tổng kết thanh tra chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu năm 2012.Theo đó, tổng số cơ sở được thanh tra là gần 5.300 cơ sở, trong đó số cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng là trên 900 cơ sở và số cơ sở kinh doanh xăng dầu là gần 4.300 cơ sở. Trong đó, số cơ sở vi phạm là 678 cơ sở (chiếm 12,8%) với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là vi phạm về đo lường, chất lượng nhưng thủ đoạn vi phạm lại tinh vi, phức tạp, dai dẳng và khó kiểm soát.
Hiền Hương
[links()]