Vải bị bai, mủn, mất màu
Nhiều gia đình mua máy sấy để làm khô quần áo. Đây là cách rất tiện vì quần áo có thể khô nhanh chóng, không còn mùi ẩm mốc hôi hám như khi phơi trong thời tiết mưa hay ẩm.
Chị Hoàng Kim Hoa (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết, không chỉ khi trời nồm, gia đình chị dùng máy sấy khô quần áo vào các mùa trong năm. "Không phải mất công đem phơi, rồi chờ khô mới được gấp cho vào tủ. Máy giặt xong cho vào tủ sấy khô vài chục phút là có thể mặc được ngay, rất tiện. Không lo bụi bẩn bám vào, không lo côn trùng bay lẫn vào quần áo gây dị ứng", chị Hoa cho hay.
Nhưng ThS Trần Đức Thịnh, Đại học Điện lực, lại cho biết, máy sấy quần áo có rất nhiều tính năng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp khi sử dụng vào mùa xuân, độ ẩm không khí lớn. Các mùa khác trong năm thì không nên sử dụng thay thế phương pháp phơi thông thường, vừa không tiết kiệm được điện, vừa không tận dụng được khí trời, nắng, gió để làm khô quần áo. Có một điều ít người để ý là ngoài tính năng làm khô nhanh thì máy sấy quần áo sẽ làm cho quần áo nhanh bị hỏng. Dưới tác động của nhiệt, các sợi vải, kể cả vải cotton, nilon hay các sợi tổng hợp khác, liên kết của các sợi sẽ kém đi, quần áo dễ bị bai, mủn, mất màu, nhanh hỏng.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, về cảm quan thì làm khô quần áo bằng máy sẽ nhanh, tiện, không bị bám bụi. Thế nhưng, về nguyên lý chung, quần áo đa phần là sợi tổng hợp, không có khả năng chịu nhiệt. Việc làm khô bằng máy về lâu dài sẽ khiến quần áo dễ bị rách, cũ hơn. Phơi quần áo ngoài trời là tốt nhất, quần áo sẽ sáng bóng, thơm tho. Hơn nữa, trong ánh sáng mặt trời có các tia tử ngoại đốt cháy một số loại vi khuẩn có hại bám trên quần áo. Chỉ sử dụng máy khi thực sự cần thiết.
|
Nhiều gia đình lựa chọn phương pháp mua máy sấy để làm khô quần áo. |
Phơi quần áo đúng cách
Theo kinh nghiệm của TS Nguyễn Thị Hà, nguyên là cán bộ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thì dựa trên các nguyên tắc vật lý và hóa học có thể có những cách phơi quần áo đúng, nhanh không, không mất màu... Vào lúc thời tiết lạnh, độ ẩm cao, khi giặt quần áo thì nên thêm một chút ít muối vào nước cuối cùng trong khi giặt để quần áo được nhanh khô hơn. Để quần áo nhanh khô hơn thì có thể phơi cùng với những chiếc khăn bông khô. Không nên phơi quần áo có màu giữa trời nắng to vì như thế quần áo sẽ dễ mất màu.
TS Phạm Văn Nho cho rằng, nếu sử dụng máy sấy khô quần áo, phải giữ cho máy cách xa ít nhất 1,5m từ nước hoặc lửa, thường xuyên vệ sinh lau sạch bằng vải mềm. Ổ cắm phải tiếp xúc với đất tránh rò rỉ điện và trước khi cho quần áo vào máy cần phải vắt khô quần áo để giảm bớt lượng nước. Không nên động vào phần kim loại trên phần cửa gió ra để tránh bị hỏng. Sử dụng máy sấy quần áo, quần áo có thể chịu được nhiệt độ đến 75 độ C nhưng không nên sử dụng mức tối đa này. Hãy để ở mức trung bình 40 - 50 độ C với thời gian lâu hơn một chút nhưng giữ độ bền hơn cho quần áo.
Một số chất liệu vải như lụa tơ tằm, xa tanh, len, nilon, sợi tổng hợp không có khả năng chịu đựng được nhiệt độ cao thì nên phơi trong bóng mát, làm khô bằng không khí, gió tự nhiên sẽ giúp quần áo bền đẹp. Làm khô bằng máy hay phơi ngoài trời nắng đều khiến vải nhanh hỏng.
Máy sấy khô quần áo chỉ phù hợp với 1 mùa trong năm và chỉ nên coi là giải pháp tình thế. Không nên lạm dụng máy để thay thế các phương pháp phơi khô thông thường. Khi không sử dụng, nên bảo quản máy nơi khô, thoáng. Trước khi lấy máy ra sử dụng nên kiểm tra, bảo trì để đảm bảo máy vẫn hoạt động tốt.
ThS Trần Đức Thịnh
Hà Khánh