Vô tư va đập, bảo vệ vĩnh viễn
Phủ nano cho màn hình điện thoại iPhone, máy tính xách tay... đã trở thành xu hướng mới dành cho người dùng. Theo quảng cáo, khi phủ màn hình bằng dung dịch nano, người dùng không còn lo điện thoại bị trầy xước và cũng không phải thường xuyên thay miếng dán màn hình. Ngoài việc chống trầy xước, màng nano này còn có tác dụng chống vân tay, chống bụi bẩn, màn hình nhìn bóng đẹp hơn, và hơn hết là có khả năng ngăn chặn các loại sóng điện từ độc hại.
Để tìm hiểu về loại dung dịch dán phủ này, chúng tôi đến phố Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) để mục sở thị dán phủ nano là công nghệ mới được phổ biến cách đây khoảng 1 tháng. Anh Bùi Văn Thịnh, người làm dịch vụ dán phủ nano trên phố này cho biết, gần đây khách hàng đến hỏi nhiều nên anh cũng "cắn răng" mua một vài lọ dung dịch nano về làm cho khách. Bề ngoài, lọ dung dịch nano có hình dáng giống lọ keo 502. Dung tích khá nhỏ nhưng anh Thịnh phải mua với giá 1,2 triệu đồng/lọ. Mà không phải mua ở đâu cũng được, phải có người quen giới thiệu và phải đặt trước hàng tuần mới có hàng.
|
Anh Thịnh và quầy hàng được quảng cáo có dung dịch dán phủ nano.
|
Theo anh Thịnh, lúc mới mua về, tập dán cũng phải mất 1 lọ thì mới quen được. Anh này cho biết thêm: Đây là một loại dung dịch nano trong suốt. Dung dịch nano này được tạo nên từ công nghệ phức hợp nano của Mỹ. Khi phun nano dung dịch chống xước đặc biệt này lên bất kì bề mặt gương kính nào, nó sẽ hoá thành tinh thể cứng tạo nên một lớp bảo vệ trong suốt trên bề mặt màn hình.
Tôi đem chiếc điện thoại HTC của mình cho anh Thịnh phủ nano, anh bảo điện thoại này không nên dán. Người ta chỉ dán phủ nano với máy iPhone thôi. Nói rồi anh đưa ra chiếc máy anh vừa dán cho khách. Anh bảo dù có lấy dao để cạo cũng không bị xước. Mặt bảo vệ nano là vĩnh viễn.
Không có vật liệu nano nhiều tính năng
PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong công nghệ nano có một số vật liệu có độ cứng cao, có khả năng chống xước. Người ta thường dùng để chế tạo các loại mắt kính, các bề mặt cần bảo vệ. Một số hợp chất hữu cơ có độ bền và trong suốt. Một số hợp chất vô cơ có khả năng chống xước tốt như silic, oxit nhôm, oxit titan... Tuy nhiên, công nghệ đưa vật liệu này lên bề mặt phủ là không đơn giản.
Một số vật liệu chống xước trên thị trường được chế tạo từ mono oxit silic (SiO2) có độ cứng cao, dễ chế tạo, dễ đưa lên bề mặt của vật liệu phủ. Tuy nhiên, chức năng chống xước của chúng chỉ tốt hơn so với miếng dán nhựa chứ không phải là vật liệu vạn năng. Thông thường, một loại vật liệu nano chỉ có một tính năng nhất định, không bao giờ có chuyện tích hợp nhiều tác dụng trong một vật liệu nano. Vì thế, quảng cáo như trên là không đáng tin.
|
Chai nano được sử dụng để phủ điện thoại, máy tính.
|
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, việc tẩy rửa vật liệu này vô cùng khó khăn. Trong nhiều trường hợp, cả vật liệu dùng để tẩy rửa lẫn vật liệu bám phủ đều có khả năng có dung môi làm ăn mòn nhẹ màn hình, đặc biệt là những màn hình cảm ứng. Và chắc chắn rằng, một lớp mỏng nano không bao giờ bảo vệ màn hình vĩnh viễn được. Kể cả là kim cương thì dùng một thời gian cũng vẫn bị xước.
"Tôi tự hỏi, nếu nó có tính năng tuyệt vời đó thì sao các nhà sản xuất lại không tích hợp ngay vào sản phẩm của họ? Người tiêu dùng khi sử dụng nên hiểu rõ và nghĩ đến mặt trái của sản phẩm", PGS.TS Phạm Văn Nho nhấn mạnh.
Giá thành dán phủ nano tùy thuộc vào kích thước của sản phẩm cần bảo vệ. 1 chiếc điện thoại iphone phủ cả màn hình và máy có giá 50.000đ. Giá thành cho 1 chiếc máy tính bất kỳ là 100.000đ. Sau khi phủ nano, nếu người dùng muốn xóa đi thì cũng sẽ không thể xóa được. |
Tô Hội