Một nhân viên làm việc tại chuỗi cửa hàng Apple Store đã viết thư cho Tim Cook và nói rằng công ty đối xử với nhân viên của mình như “lũ tội phạm”. Theo nội dung một email thuộc vụ kiện chống lại Apple năm 2013 gửi lên tòa án bang California, Apple bị cáo buộc không trả lương cho các nhân viên trong thời gian chờ đợi nhân viên quản lý kiểm tra túi xách cá nhân của từng người để tìm kiếm chiếc iGizmos bị mất cắp trước khi họ rời cửa hàng.
|
Nhân viên Apple Store bị đối xử như súc vật?
|
Trong một email gửi đi ngày 2/4/2013 với tiêu đề “Một lời phản hồi không sợ hãi từ một chuyên viên bán lẻ của Apple”, một nhân viên giấu tên đã nói với Cook rằng chính sách kiểm tra túi xách là xúc phạm và hạ thấp nhân phẩm các nhân viên của Apple.
Người này cho biết các nhân viên làm việc tại Apple Store được cấp một tấm thẻ với số seri của tất cả các thiết bị Apple cá nhân của họ. Những người quản lý sẽ yêu cầu các nhân viên trình điện thoại iPhone và những tấm thẻ này trước khi họ rời cửa hàng sau đó tiến hành kiểm tra túi xách trước con mắt ngạc nhiên của các khách hàng. Người này viết: “Quy trình này chứng tỏ Apple không hề tin hay tôn trọng nhân viên của mình. Những người quản lý bị yêu cầu đối xử với các nhân viên đáng quý của mình như những tên tội phạm”.
Khi Cook nhận được email này, ông đã chuyển tiếp bức thư cho những người điều hành phụ trách bộ phận bán lẻ, nhân sự và hỏi: “Có thật như thế không?” Tòa án không tiết lộ nội dung bức thư trả lời của Tim Cook với các nhân viên tại Apple Store cũng như bức thư người điều hành bộ phận trả lời Cook.
Trong một email khác gửi đến Cook ngày 28/1/2013, một nhân viên Apple Store tại Bắc Kinh cho biết: “Apple đối xử với các nhân viên của mình như súc vật”. Nhân viên giấu tên này cho hay, cửa hàng Apple Store tại Xidan Joy City chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất nhưng đã bị chặn bởi các sản phẩm của Apple. Người này cũng phàn nàn về chính sách kiểm tra túi xách và email của nhân viên.
Sau khi nhận được bức thư chuyển tiếp của Cook, trưởng bộ phận nhân sự Denise Yong Smith đã viết một bức thư gửi trưởng bộ phận chiến lược Carol Monkowski về việc công ty nên thay đổi chính sách này. Young viết: “Tôi không thích điều này và tôi cũng không hiểu vì sao mọi người cho rằng điều này là cần thiết. Tôi muốn thử một phương án khác, ví dụ như kiểm tra ngẫu nhiên giống như TSA (Tổ chức Quản lý An ninh Vận chuyển Hoa Kỳ). Nếu nó chỉ đơn giản là một rào cản, chúng ta cần tiến hành một cách thông minh và tôn trọng hơn”.
Smith đề xuất dừng chính sách này trong vòng 3-6 tháng để kiếm tra xem có bao nhiêu sản phẩm bị đánh cắp trong thời gian đó. Hiện Apple vẫn tiến hành kiểm tra túi xách của nhân viên nhưng chưa rõ liệu công ty này có thay đổi chính sách đó không. Phát ngôn viên của Apple không trả lời yêu cầu bình luận.
Trong vụ kiện này, hai cựu nhân viên tại Apple Store cho biết việc kiểm tra túi xách được thực hiện khi đã hết giờ làm. Có những ngày nhân viên phải chờ từ 5 đến 10 phút với tổng số tiền bị thâm hụt vào khoảng 1.500 USD/năm đối với mỗi nhân viên. Một nhân viên Apple Store trung bình kiếm được 12 đến 18 USD mỗi giờ.
Apple cũng đối mặt với một vụ kiện khác từ các nhân viên bán lẻ với cáo buộc từ chối cho phép nhân viên này được nghỉ để ăn và nghỉ giữa giờ. Điều này là vi phạm luật lao động tại California. Ngoài ra, Apple còn bị kiện vì bắt nhân viên làm việc liên tiếp 5 giờ hoặc hơn mà không được ăn hoặc được nghỉ ngắn giữa những ca làm, và cấm các nhân viên trò chuyện với nhau về các vấn đề liên quan đến điều kiện lao động nhằm “reo rắc sợ hãi vào các nhân viên khiến họ nghĩ rằng nếu mình thảo luận quá nhiều về các chính sách lao động, họ sẽ có nguy cơ bị sa thải, bị kiện hoặc kỷ luật”.
Theo ICTNews