- Bột nghiền từ xác ướp Ai Cập từng được người châu Âu cho là thứ thuốc chữa được đủ thứ bệnh, từ đau đầu tới lở loét dạ dày.
Phương thuốc "kỳ diệu"
Từ khoảng thế kỷ XII, bột xác ướp đã nổi lên như một phương thuốc đa tác dụng, có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau. Hoàng đế Pháp Francis I mỗi ngày đều uống một liều thuốc trộn từ bột xác ướp với cây đại hoàng khô. Ông còn luôn giữ bên mình một túi nhỏ để được khoẻ mạnh và đề phòng kẻ ám sát. Trong khi đó, Hoàng đế Charles II thì sử dụng loại bột này chà lên da với niềm tin rằng nó sẽ biến ông trở thành một Pharaoh.
Công dụng của bột xác ướp đã được ghi lại trong nhiều tài liệu về các phương thuốc. Những cuốn dược điển từ thế kỷ XV, XVI đưa ra chỉ dẫn cụ thể về cách pha chế bột xác ướp. Theo đó, chỉ cần uống thứ thuốc này trong nửa tháng là có thể hồi phục các chi bị thương, làm lành tất cả các chỗ lở loét, chữa chóng mặt, liệt, động kinh, ngăn ngừa hoại tử... thậm chí còn có thể rắc nó trực tiếp lên vết thương.
Một cuốn dược điển của Anh được xuất bản năm 1721 cũng khẳng định rằng, chỉ cần 2 ounce (khoảng 56g) bột này là đủ để dùng bó bột. Ở châu Âu thời kỳ này, bột xác ướp đã trở thành phương thuốc được bán ở khắp các hiệu thuốc dưới dạng bột hoặc dạng viên. Ngay cả các bác sĩ cũng kê đơn cho bệnh nhân loại bột này để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau.
|
Xác ướp từng được coi là một dược liệu quý giá. |
Nghề "chế" xác ướp để làm thuốc
Nhờ tiếng tăm của phương thuốc kỳ diệu mà xác ướp Ai Cập trở thành một đồ vật nằm trong danh sách dài các món hàng của thương nhân. Buôn bán xác ướp phát triển thành một ngành nghề kinh doanh, mở ra thị trường rộng lớn.
Mặc dù vậy, không phải loại bột nào cũng được làm từ xác ướp Ai Cập thật. Do nhu cầu thuốc quá lớn, số xác ướp Ai Cập thật ngày càng trở nên khan hiếm, các nhà sản xuất bắt đầu tạo ra các xác ướp giả.
Nhà thực vật học John Parkinson đã kể về chuyến thăm của BS Guy de la Fontsine tới nhà kho của một thương nhân tại Alexandria (Ai Cập). Cảnh tượng ông Fontsine nhìn thấy là khoảng 40 xác ướp đã qua xử lí. Để làm được điều này, họ phải mổ các tử thi và nhét nhựa đường vào bên trong. Sau đó, chúng được băng bó lại bằng vải lanh và đem phơi dưới ánh mặt trời cho tới khi trông giống như một xác ướp thực sự.
Các tử thi này là những nô lệ hoặc những người chết vì mắc bệnh mà theo ông Parkinson, "chủ yếu được lấy từ Ai Cập hoặc Syria". Bên cạnh đó, Nam Phi và quần đảo Canary cũng được xem là một nguồn cung cho ngành công nghiệp này.
Hầu hết mỗi thương nhân đều tự sản xuất xác ướp cho riêng mình. Thậm chí họ cũng chẳng thèm chú ý tới lí do vì sao những người này chết.
Trong khi các bác sĩ vẫn tiếp tục kê đơn cho bệnh nhân bằng bột xác ướp, một số khác lại kịch liệt phản đối phương thuốc này. Bác sĩ phẫu thuật người Pháp Ambroise Paré cho rằng, nó là việc làm "tàn nhẫn và xuẩn ngốc khi ngấu nghiến những thứ thối rữa và phân hủy của tử thi". Ông cho rằng nó "gây ra tổn thương lớn ở bụng, khiến hơi thở có mùi khó chịu và gây nôn mửa nghiêm trọng".
Dù vậy, phải tới cuối thế kỷ XVIII, người ta mới thôi chữa bệnh bằng phương thuốc được ngộ nhận là thần dược này.