Mưa sao băng Leonids đạt cực đại từ tối mai 17/11

Google News

 Như thường lệ hàng năm, chúng ta lại sắp có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Leonids.

Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc từ khí bụi do đuôi sao chổi Tempel-Tuttle để lại khi nó cắt ngang qua quỹ đạo Trái Đất.

[links()]

Đây là một sao chổi có chu kỳ 33 năm mà lần quan sát được gần đây nhất là vào năm 1998. 

Sao chổi Tempel-Tuttle vào năm 1998 khi nó đi qua quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: NASA
Sao chổi Tempel-Tuttle vào năm 1998 khi nó đi qua quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: NASA

Năm nay, trận mưa sao băng này sẽ đạt cực đại vào khoảng 4 giờ sáng ngày 18 tháng 11 (giờ Việt Nam). Thời điểm quan sát tốt nhất chính là trong tối các ngày 17 và 18/2012, đặc biệt là nửa đêm về sáng. Mật độ sao băng theo dự báo có thể đạt tới 20 sao băng mỗi giờ.

Theo thời gian hàng năm, mật độ này biến động và nói chung là giảm dần. Vài năm đầu sau lần viếng thăm của sao chổi năm 1998, trận mưa sao băng Leonids trở nên rất nổi tiếng với các sao băng rất sáng và dày đặc với mật độ lên tới 3.000 sao băng mỗi giờ. Đây cũng là một trận sao băng được ghi nhận nhiều lần trong lịch sử. 

Tranh vẽ minh hoạ mưa sao băng Leonids vào năm 1833.
Tranh vẽ minh hoạ mưa sao băng Leonids vào năm 1833.

Leonids được đặt theo tên chòm sao Sư Tử (Leo), một chòm sao Hoàng đạo. Các vệt sao băng đều dường như phát ra từ một điểm trong chòm sao này. Điểm này nằm rất gần ngôi sao Regulus sáng nhất trong chòm Sư Tử.

Thời điểm quan sát mưa sao băng tốt nhất là nửa đêm về sáng lúc chòm sao Sư Tử đã lên cao. Khi ấy, bầu trời đêm sẽ hướng về phía trước chiều di chuyển của Trái đất trên quỹ đạo, và do đó đón được nhiều sao băng lao vào khí quyển hơn. Lần này, Mặt Trăng đầu tháng sẽ lặn sớm và bầu trời quang mây sẽ là một điều kiện quan sát lý tưởng. 

Tâm điểm của mưa sao băng Leonids nằm trong chòm sao Sư Tử.
Tâm điểm của mưa sao băng Leonids nằm trong chòm sao Sư Tử.

Để quan sát được sao băng, bạn cần phải chọn một địa điểm tối, cách xa ánh sáng thành thị càng tốt để bầu trời đêm không bị mờ. Tuy nhiên nếu thời tiết có mây thì sẽ không thể quan sát được. Khoảng không gian xung quanh cũng cần phải thoáng đãng và có góc nhìn rộng. 

Sao băng lướt qua rất nhanh trên bầu trời và có thể bất thình lình xuất hiện ở bất kỳ điểm nào. Vì vậy, để không bỏ lỡ các vệt sao băng, bạn có thể nằm ngửa và chọn một điểm nhìn để bao quát được nhiều nhất bầu trời phía trên. Lưu ý giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết đang dần chuyển sang mùa lạnh. 

Một vệt sao băng Leonids vào năm 2009.
Một vệt sao băng Leonids vào năm 2009.

 Mưa sao băng là hiện tượng thiên nhiên có tính chu kỳ hàng năm do gắn với chuyển động quay của Trái đất trên quỹ đạo. Mỗi trận mưa sao băng kéo dài trong vòng khoảng một tháng và sẽ đạt cực đại vào một thời điểm giữa giai đoạn đó.

Vũ Lộc

[links()]