Mùa đông vẫn cần ra ngoài trời thường xuyên
ThS Nguyễn Trinh Hương, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho biết, mùa đông nhiều người có thói quen ở suốt ngày trong nhà để tránh rét là chưa hợp lý. Thay vào đó, vẫn khuyến khích mọi người nên ra ngoài trời để hít không khí trong lành cũng như tăng sức đề kháng.
Theo vị chuyên gia này, lý do suốt ngày ở trong nhà không tốt bởi nơi đây sẽ tích tụ các chất, khí ô nhiễm không khí, mà người ta thường nói là ô nhiễm không khí trong nhà. Nguồn ô nhiễm do các vật liệu như sơn tường, bàn, tủ, ghế hay từ khí đốt nấu ăn như gas, than... Ngoài ra, ở trong nhà lượng khí CO2 cũng cao. Nhà nào bật điều hòa thì hệ thống này tạo nên không khí nhiều ion dương. Chính các yếu tố này tạo ra không khí ngột ngạt, mệt mỏi, bức bí cho cơ thể.
Khi ra ngoài trời, con người sẽ được tăng lượng oxy giúp cơ thể khoẻ mạnh, tươi tỉnh, dễ chịu. Đối với các khu vực không ô nhiễm, ra ngoài trời sẽ tốt hơn ở trong nhà rất nhiều.
"Mùa đông hay mùa hè mỗi người đều cần bội số không khí sạch cung cấp cho cơ thể dao động từ 20 - 30m3. Mùa đông nếu ngồi trong nhà nhiều nhưng phòng không có hệ thống thoáng khí tốt thì lượng khí sạch này sẽ không đảm bảo. Đối với nhà đóng cửa để tránh gió lùa bội số không khí càng thấp, trong khi nguy cơ tích tụ chất ô nhiễm càng cao. Điều này rất ảnh hưởng đến sức khoẻ người sống trong đó", ThS Nguyễn Trinh Hương phân tích.
|
Nhà đóng cửa để tránh gió lùa bội số không khí càng thấp, trong khi nguy cơ tích tụ chất ô nhiễm càng cao. |
Hạn chế ngứa da khi ra ngoài trời
Theo các tài liệu, mùa đông dễ bị hội chứng trầm cảm mùa đông với các biểu hiện như thay đổi tâm trạng trầm trọng khi chuyển mùa, ngủ nhiều, uể oải, thiếu sức sống. Người bị hội chứng này cũng thường rơi vào tình trạng ăn uống vô độ dẫn đến tăng cân, ngái ngủ và mệt mỏi rất lâu vào mỗi buổi sáng, thiếu tập trung, không có hứng thú với công việc, bi quan, chán nản.
Một trong những nguyên nhân được lý giải là do mùa đông thiếu ánh sáng mặt trời, trời lạnh nên nhiều người thường "cố thủ" trong nhà đóng kín cửa, khiến thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên càng ít đi, dẫn đến thiếu serotonin và vitamin D, gây trầm cảm. Điều này giải thích tại sao người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ trầm cảm mùa đông khá cao.
Phân tích ở phương diện sức khoẻ, GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Lương cho hay, mùa đông người già và trẻ em vẫn nên ra ngoài trời vào buổi sáng (khoảng 8 giờ) và buổi chiều. Trẻ em được tiếp xúc với không khí lạnh cũng có khi tốt, giúp làm quen với thời tiết, từ đó tăng sức đề kháng, ít bị ốm vào mùa đông hay mỗi khi trở trời.
Đối với thời tiết miền Bắc lạnh nhưng có nắng càng tốt cho trẻ bởi được tăng cường oxy và chuyển hóa canxi tốt. Tương tự, người già ra ngoài trời giúp tăng oxy để cung cấp cho máu, hệ tuần hoàn làm việc tốt hơn nên khoẻ mạnh. Đồng thời, ra ngoài trời sẽ giúp giãn mạch máu, từ đó hạn chế ngứa da.
"Tất nhiên, khi ra ngoài trời mọi người cần được mặc ấm, tránh nơi gió lùa mạnh. Tốt nhất nên có không gian đệm để làm quen dần với không khí ngoài trời. Tránh ở khư khư trong nhà càng dễ ốm", GS Nguyễn Xuân Nghiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Trinh Hương cho rằng, thời tiết mùa đông ở nước ta không đến mức hạn chế ra ngoài trời. Bởi nhiệt độ mùa đông chênh lệch không cao bằng mùa hè, đồng thời chúng ta thường có xu hướng mặc ấm thay vì mặc mỏng khi nắng nóng. Trong khi đó, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột chỉ xảy ra khi trong phòng và ngoài trời chênh nhau khoảng 10 độ C trở lên. Tuy nhiên, để an toàn và không ngại ra ngoài các gia đình nên có không gian đệm. Ở các nhà ở, không gian đệm chính là hành lang, còn ở các cơ sở làm việc là sảnh.
Theo BS Ngô Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu mọi người ở trong nhà nhiều không giao tiếp lâu ngày cũng sẽ gây ra những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, cảm giác bị cô lập. Khi vận động nhiều có thể sản sinh ra hormon ức chế các yếu tố gây buồn chán cho con người. Trong đó, serotonin là một loại hormon có khả năng chống trầm cảm hiệu quả.
Hiền Dung