Motorola hồi sinh: Cần 1 chiếc flagship để nâng tầm đẳng cấp

Google News

Trong thời gian qua, Motorola đã âm thầm mở rộng thị phần và sự ảnh hưởng một lần nữa tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng họ vẫn cần một chiếc flagship thành công để vươn lên level mới, sánh ngang các tên tuổi như Samsung hay Apple.
 
 

Theo PhoneArena, khi doanh số smartphone suy giảm liên tục trong những năm qua, hầu hết các tên tuổi lớn của làng di động đều cho thấy họ khó lòng duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh và tỷ suất lợi nhuận khổng lồ. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi smartphone mang lại nhiều giá trị hơn nhưng lại muốn chi ít tiền hơn. Bên cạnh các công ty như Huawei và Xiaomi – những công ty đã gây ấn tượng mạnh mẽ để thách thức mọi xu hướng và tăng doanh số liên tục trong bối cảnh thị trường đang suy giảm – một thương hiệu lớn khác cũng đã cho thấy bước tiến đáng kể của mình.
Motorola hoi sinh: Can 1 chiec flagship de nang tam dang cap
 
Sự thầm lặng của Motorola trong thời gian qua có lẽ là lí do khiến cho sự tiến bộ của họ không gây được nhiều sự chú ý cho các nhà phân tích thị trường và chuyên gia công nghệ. Tuy nhiên, một cây viết của PhoneArena đã nhận ra điều này, đặc biệt là từ thời điểm tháng 2, khi Tập đoàn kinh doanh di động của Lenovo báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên trong năm.
Ngược thời gian trở về những năm trước, Motorola Mobility đã được Google mua lại với giá 12,5 tỷ USD (năm 2012). Sau đó 1 năm, do kinh doanh không hiệu quả, Google đã bán lại thương hiệu này cho Lenovo với một số tiền thấp hơn rất nhiều so với lúc mua.
Mặc dù thỏa thuận trị giá 2,9 tỷ USD ban đầu có vẻ như là một món hời đáng kinh ngạc nhưng Lenovo sau đó đã phải vật lộn để tận dụng một trong những thương hiệu lâu đời nhất (Motorola) của làng di động này.
Sự khởi đầu của một sự hồi sinh (có khả năng)
Bộ phận di động của Lenovo dường như chưa đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu vào thời điểm này. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không bao giờ tiết lộ chi tiết về lợi nhuận của "Mảng kinh doanh di động" trong ba tháng cuối năm 2018 và quý đầu tiên của năm 2019. Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng con số này có lẽ khá khiêm tốn. Nhưng lợi nhuận nhỏ (trong hai quý liên tiếp) chắc chắn vẫn tốt hơn nhiều so với các khoản lỗ lớn trong vài năm qua. Lenovo đang thực hiện một chiến lược kinh doanh mới, họ tổ chức lại danh mục sản phẩm rộng lớn của mình hơn một lần trước khi quyết định tập trung vào một số thị trường châu Á. Thương hiệu chủ yếu của họ là Moto và nhắm vào người dùng Bắc Mỹ cũng như Mỹ Latinh.
Theo thống kê của Counterpoint Research, Motorola được yêu thích rộng rãi ở Mỹ kể từ thời họ ra mắt chiếc điện thoại nắp gập Razr. Motorola đã tăng gấp đôi thị phần ở thị trường này trong khoảng thời gian giữa Q1 2018 và Q1 2019. Thống kê sơ bộ mới nhất của Kantar cho thấy thương hiệu này cũng có một quý thứ hai tuyệt vời và chiếm 8% thị phần tại thị trường này. Đây vẫn chưa phải là con số ấn tượng với một thương hiệu đã từng bán ra thị trường đến 145 triệu điện thoại vào năm 2005. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu cho thấy Motorola có thể làm được một cái gì đó tốt hơn nữa trong tương lai (tính riêng tại thị trường Mỹ).
Sự trở lại đầy ngoạn mục của Motorola trong thời gian qua tại thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung có sự đóng góp không nhỏ của dòng Moto G tầm trung ngày càng phổ biến và gia đình Moto E giá rẻ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Motorola (thuộc sở hữu của Lenovo) phải đẩy mạnh kinh doanh trên mọi phân khúc nếu muốn một lần nữa trở thành thế lực có khả năng thách thức trên thị trường smartphone toàn cầu. Hiện tại, Motorola đang tiến sát vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng các nhà sản xuất smartphone hàng đầu của Mỹ (vị trí này đang thuộc LG). Trong khi đó, Motorola chỉ là một thế lực nhỏ khi xếp thứ 7 trên phạm vi toàn cầu (tính từ Quý 1/2019).
Không có thiết bị cao cấp, không có triển vọng phát triển dài hạn
Samsung, Huawei và Apple có điểm gì chung? Bên cạnh xu hướng "mượn" ý tưởng, thiết kế và tính năng tốt nhất của nhau thì họ còn có những thiết bị cao cấp tốt nhất được phổ biến rộng rãi trên thị trường toàn cầu. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Hauwei trong vài năm qua phần lớn nhờ vào các sản phẩm giá rẻ tuyệt vời của công ty. Nhưng nếu không có những sản phẩm "bom tấn" như P20 và Mate 20, việc vượt qua Apple vẫn sẽ là một giấc mơ xa vời. Trong khi đó, ở vị trí dẫn đầu, Samsung có dòng Galaxy S và Galaxy Note cao cấp.
Các thiết bị cao cấp không chỉ bán tốt hơn các thiết bị cấp thấp và trung cấp, mà còn tạo ra lợi nhuận cao hơn nhiều. Đôi khi những sản phẩm cao cấp còn giúp các công ty bù lỗ cho các phân khúc thấp hơn. Thật không may cho Lenovo, dòng Moto Z đã không thành công như Moto G. Bạn cần bằng chứng ư? Theo thống kê của Counterpoint Research, Motorola không lọt vào top 5 nhà cung cấp flagship hàng đầu trên thế giới, họ xếp sau cả OnePlus và Google.
OnePlus và Google đang vượt lên trước Motorola khi nói đến doanh số smartphone cao cấp tại thị trường Mỹ. Rõ ràng, Moto Z3 là một sản phẩm thất bại, trong khi Z4 được phát hành gần đây không tạo ra cảm giác quá cao cấp với vi xử lí khiêm tốn Snapdragon 675. Điều này cho thấy Motorola đang bỏ trống phân khúc cao cấp và cũng không có sản phẩm nào cạnh tranh với các thiết bị cận cao cấp như Galaxy S10e và iPhone XR.
Đây dường như là một sai lầm lớn. Motorola không có gì sai khi tập trung vào phân khúc tầm trung và giá rẻ, đặc biệt là khi họ đã tạo ra các sản phẩm tuyệt vời như Moto G7 và G7 Power. Nhưng đây cũng là những phân khúc có tỷ suất lợi nhuận thấp, không có khả năng tạo ra loại tăng trưởng dài hạn mà một thương hiệu smartphone nên theo đuổi. Thay vì nghĩ đến chiến lược lâu dài, Motorola dường như đang quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.
Trừ khi việc hồi sinh chiếc điện thoại Razr (với màn hình gập) là có thật và thiết bị này phải có phần cứng, tính năng hàng đầu, bằng không Motorola khó lòng trở thành một thế lực thật sự trên thị trường di động (bất chấp họ đang kinh doanh tốt ở phân khúc tầm trung và giá rẻ).
Theo Bạch Đằng/Vnreview