Cụ thể, trong 12 tháng qua, doanh thu máy ảnh không gương lật (mirrorless) trên toàn cầu đã tăng trưởng 16,5%. Song song với đó doanh thu máy ảnh DSLR giảm khoảng 15%.
Trong đó, Sony đã có một cú nhảy vọt khi doanh số bán hàng mirrorless tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó củng cố vị trí thống trị của hãng trong 4 năm liên tiếp từ năm 2011 đến 2015.
|
Máy ảnh không gương lật tăng trưởng mạnh, Sony vẫn dẫn đầu
|
Theo sau Sony là Olympus, Panasonic và Fujifilm với doanh số không đáng kể. Olympus và Panasonic mới chính là là hai hãng tiên phong khởi động trào lưu mirrorless với cấu trúc cảm biến Fourth-Third kích thước 17,3 x 13mm. Sau đó mới là thành công của Sony với cảm biến APS-C cỡ lớn hơn và cảm biến full-frame lớn hơn nữa. Không thua kém, hai đại gia máy ảnh là Canon và Nikon cũng nhập cuộc chơi mirrorless. Và cuối cùng, dù tham gia phong trào mirrorless khá muộn nhưng Fujifilm lại cung cấp bộ sản phẩm khá phong phú, hấp dẫn người dùng từ bình dân đến chuyên nghiệp. Sản phẩm của Fujifilm ăn khách bởi thiết kế retro tinh tế, chất ảnh đẹp với màu đặc trưng, cảm biến bỏ được bộ lọc chống răng cưa (anti-aliasing) tăng độ chi tiết cho ảnh. Thậm chí nhiều người còn nói quá rằng dòng máy mirrorless của Fujifilm thực sự là đối thủ xứng tầm của Leica.
So với máy ảnh DSLR, khác biệt lớn nhất của mirrorless là không có cấu trúc gương lật. Cơ cấu lật gương phạm vào các nhược điểm chí mạng như: gây rung chấn khiến độ nét giảm, hạn chế tốc độ chụp liên tiếp, cồng kềnh và quá nhạy cảm với các va đập, giá thành cao… Mặt khác, trong các ống kính hiện đại, nhà sản xuất sử dụng hệ thống nhiều thấu kính để tạo ra hiệu quả tiếp nhận ánh sáng tối ưu, loại bỏ hiện tượng quang sai để thu được hình ảnh chính xác. Trong khi đó, thiết kế máy DSLR rất khó loại bỏ hoàn toàn lỗi quang sai. Vì phải thu xếp không gian cho gương lật hoạt động nên khoảng cách từ thấu kính đến cảm biến bị nới rộng, dẫn đến quang sai càng lớn. Vì không có gương lật, khoảng cách này trên máy ảnh mirrorless gần hơn rất nhiều so với DSLR, tức là quang sai cũng giảm đáng kể. Cũng vì không có gương lật, thiết kế máy mirrorless giành được ưu thế về sự gọn nhẹ, linh hoạt, chịu va đập, thao tác nhanh chóng, dễ dàng và giá thành hạ.
Tiếp nữa, có nhiều điểm mà các hãng làm rất tốt trên dòng sản phẩm mirrorless của mình, còn trên DSLR thì không. Ví dụ như Sony có kho ứng dụng PlayMemories Camera Apps, các model full-frame có phần mềm tái tạo chi tiết ảnh (detail reproduction) tích hợp sẵn bên trong. Fujifilm có cảm biến X-Train với cấu trúc độc đáo có thể khử moiré mà không cần bộ lọc chống răng cưa. Đặc biệt, về tốc độ chụp liên tiếp và quay video HD thì mirrorless vượt xa DSLR.
Đó là những nguyên chính khiến doanh số bán hàng của mirrorless tăng mạnh còn DSLR thì lại giảm. Tương lai của nhiếp ảnh dường như nằm trong tay những chiếc máy ảnh mirrorless.
Theo Nghe nhìn Việt Nam