Hỏi: Nhà tôi mới mua chậu mai về để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tôi không biết cách tưới nước cho mai như thế nào để tránh cho mai không bị úng nước mà chết? - Nguyễn Ngọc Hà (Hà Đông, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
Ông Lưu Minh Phương, Vườn kiểng Minh Phương, TPHCM: Việc tưới nước cho cây mai (cả mai vàng hay mai trắng) không khó vì đây là cây ưa nước. Khi nào thấy đất trên miệng chậu khô là có thể tưới, 1 - 2 ngày tưới nước một lần, tùy thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, người chơi mai cần chú ý, với mai trồng trong chậu thì dưới đáy chậu phải có lỗ thoát nước để tránh tình trạng mai bị úng nước, khiến rễ không thông thoáng từ đó cây dễ bị chết.
Khi tưới nước nên quan sát vị trí lỗ thoát nước của chậu. Nếu không thấy nước thoát ra nghĩa là nước tưới chưa đủ. Nếu một ít nước thoát ra là dấu hiệu nước tưới đã đủ. Nếu nước chảy ra ngoài quá nhiều là dấu hiệu nước tưới đã bị thừa.
Ngoài ra, người chơi mai nên kiểm tra lỗ thoát của chậu mai, tránh tình trạng lỗ thoát nước bị đất bịt kín khiến cho nước bị ứ bên trong chậu.
Độc giả Trần Thị Khánh Ly (Lạng Sơn) có hỏi: Chăm sóc hoa đào trắng khác với hoa đào thông thường thế nào?
ThS Trần Thị Thuý, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh: Hiện giống hoa đào bạch (GL2-3) có nguồn gốc tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Rau quả thu thập và tuyển chọn từ các giống địa phương. Giống đào này có đường kính hoa và độ bền hoa cao hơn hẳn giống đào bạch đang được trồng hiện nay.
Hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng giống hoa đào bạch cao hơn so với giống đào bạch đang được trồng phổ biến ngoài sản xuất từ 30 - 50%. Quy trình chăm sóc không khác các giống đào khác. Hiện loại đào này đang được trồng ở Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương.
Bạn đọc Võ Hoài Anh (Hà Nội) thì thắc mắc làm sao cho hoa đào cho chúng nở vào đúng dịp Tết khi thời tiết Tết lạnh?
ThS Nguyễn Văn Tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả: Vào tháng 12 âm lịch, nếu trời rét đậm kéo dài (nhiệt độ < 10 độ C quá 7 ngày) thì lúc này phải thúc hoa nở bằng cách ngưng tưới nước khoảng 3 - 4 ngày. Sau đó tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm 40 - 50 độ C vào quanh gốc 2 - 3 lần/ngày, kết hợp quây nilon, thắp điện vào ban đêm và phun phân bón lá Đầu Trâu 901, 902 kích thích cho hoa nhanh nở.
Ngược lại, nếu sát Tết mà trời nắng ấm thì phải hãm nở hoa bằng cách làm giàn che lưới đen che cây kết hợp với pha phân ure nồng độ 1% vào nước lạnh phun nên thân lá hoặc tưới vào gốc, chặt bớt từ 10 - 12% bộ rễ, rải rác quanh gốc cây để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng lên cây.
Ngoài ra, trên thị trường đã có một sản phẩm giúp chống rụng cánh hoa. Đây là sáng chế của ThS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, Bến Tre và PGS Lê Văn Bé, trường Đại học Cần Thơ.
Hỗn hợp bao gồm các thành phần như Triacontanol, Axit Boric, Clorua Calcium và phụ gia, được pha chế theo một tỷ lệ cố định trước khi hòa tan vào nước để phun đều lên các loại hoa mai, phong lan, hoa giấy... vào thời điểm cây bắt đầu nở hoa. Giải pháp này giúp kéo dài thời gian hoa nở, giúp chống rụng cánh hoa trong thời gian từ 7 - 10 ngày so với bình thường. Giải pháp kéo dài thời gian hoa nở đã tháo gỡ được một trong những khó khăn lớn nhất của nông dân.
Đối với hoa đào, hoa mai, thông thường chỉ khoảng 3 - 4 ngày kể từ khi chớm nở là hoa đã bắt đầu tàn. Việc phun hợp chất này giúp tăng thời gian hoa tươi lên gấp đôi sẽ giúp cánh hoa không bị rụng, tươi lâu. Đặc biệt đối với các nhà vườn, khi thời tiết thay đổi thất thường dễ dẫn đến việc hoa rụng cánh trước khi Tết đến.
Việc phun chế phẩm này lên hoa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Có những loại hoa rất "nhạy cảm" với thời tiết, một cơn mưa trái mùa, hoặc thời tiết chuyển lạnh bất thường chừng vài ngày là hoa có thể nở không đúng tết. Hoa nở sớm, hoặc muộn chừng 2 - 3 ngày là người trồng có thể thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Chi tiết liên hệ, Đại học Cần Thơ, khu II, đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, điện thoại: (0710) 3832663/(0710) 3838474
PV (ghi)