Tuy vẫn tồn tại những trận bão bụi và lốc xoáy kinh hoàng nhưng bầu khí quyển của sao Hỏa gần như đã biến mất. Trong hoạt động mới nhất, siêu xe thăm dò Curiosity đã tiến hành lấy mẫu khí sao Hỏa để phân tích. Kết quả cho thấy 90% lượng khí từng có của sao Hỏa đã “bị đánh cắp”.
Trong tuần trước, siêu xe thăm dò cẩn thận lấy mẫu không khí tại một vị trí đã được chọn trước và đưa vào phân tích. Kết quả từ phòng thí nghiệm đặc biệt trên chiếc xe tự hành trị giá 2,5 tỷ USD cho thấy, khối lượng lớn khí trong khí quyển sao Hỏa bị “rò rỉ” ra ngoài không gian. Đây là lý do khiến môi trường sao Hỏa trở nên khắc nghiệt, dẫn tới sự biến mất của nước trên bề mặt Hỏa tinh.
|
Siêu xe thăm dò hoạt động trên sao Hỏa. |
Ngoài ra, siêu xe thăm dò Curiosity còn phát hiện hàng loạt trận lốc xoáy trên bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, những trận lốc này chỉ xảy ra trong quãng thời gian một vài giây. Tia laser cũng được sử dụng để phân tích bụi sao Hỏa, giúp tiết lộ những thông tin cơ bản về những hạt đất bé nhỏ này.
Theo đó, sở dĩ sao Hỏa có màu đỏ bởi vì oxit sắt có trong lớp bụi. Đây chính là lớp bao phủ toàn bộ bề mặt Hỏa tinh. Đặc biệt, bụi sao Hỏa được cấu thành từ những thành phần phức tạp, bao gồm hydro đã bị biến đổi thành hydroxyl hoặc các phân tử của nước.
Việc phát hiện ra những biến đổi quan trọng trong bầu khí quyển sao Hỏa cũng như cấu tạo lớp bụi bao phủ toàn bộ bề mặt Hỏa tinh chính là những thành tựu mới nhất của Curiosity gửi về trái đất. Trong tháng tư, thời điểm trái đất, mặt trời và sao Hỏa nằm trên một đường thẳng, dữ liệu sẽ không thể được Curiosity truyền về trái đất. Vào thời điểm này, Curiosity sẽ vẫn tiếp tục hoạt động theo lịch trình được đặt sẵn.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Infonet