Mới đây, cậu bé Bryon Wake, 15 tuổi, đã tự cấy ghép một vi mạch nhỏ bên dưới da bàn tay trái và trở thành người trẻ tuổi nhất nước Anh (và có thể là thế giới) cấy chip vào cơ thể - điều trước đây chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.
Tiện lợi
Theo báo Telegraph (Anh), thiếu niên này đặt mua qua mạng một bộ thu phát tín hiệu xNT của Công ty Dangerous Things (Mỹ). Tiếp đó, Wake dùng kim tiêm dưới da để cấy con chip có kích thước bằng hạt gạo vào tay bất chấp khuyến cáo phải có sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc y tá.
Ba ngày sau, cậu bé mới thú thật với cha mẹ. Gia đình cũng không quá ngạc nhiên về hành động “liều lĩnh” của Wake vì cậu đang ấp ủ hy vọng được làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp.
Sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (NFC), con chip này phát ra tín hiệu vô tuyến năng lượng thấp để thực hiện một số tính năng đơn giản được lập trình trước, như khởi động xe.
Sau khi cấy chip, Wake có thể mở màn hình điện thoại, điều khiển một số thiết bị Bluetooth hoặc thậm chí mở cửa chỉ bằng một cái vẫy tay. Dù con chip được bọc trong một lớp kính sinh học nhưng cha mẹ Wake vẫn chưa thể tin tưởng tuyệt đối vào độ an toàn của chúng.
Wake thuộc số khoảng 10.000 người khắp thế giới đã cấy con chip nói trên. Trước đó không lâu, Công ty Epicenter của Thụy Điển cũng gây xôn xao dư luận khi cho nhân viên cấy chip vào bàn tay để sử dụng máy photocopy, mở cửa an ninh và trả tiền bữa trưa chỉ bằng cử động của tay.
|
Ảnh minh họa.
|
Dấu hỏi về sự an toàn
Bên cạnh những lợi ích tiềm tàng, công nghệ mới này cũng gây không ít tranh cãi. Một số nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi chính phủ gắn chip định vị GPS vào cơ thể tù nhân để giúp ngăn chặn tình trạng vượt ngục cũng như bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Tuy nhiên, những người chỉ trích gọi đây là hành động vô nhân đạo khi con chip được cấy sâu dưới lớp da cổ của tù nhân và chỉ được gỡ bỏ khi họ mãn hạn tù.
Một vấn đề khác là chưa có bất kỳ ai bảo đảm được những con chip trên sẽ không gây hại cho người sử dụng. Thậm chí, trang web của Công ty Dangerous Things còn cảnh báo “bộ thu phát tín hiệu xNT chưa được thử nghiệm hoặc được cấp chứng nhận từ bất kỳ cơ quan quản lý nào cho việc cấy ghép hoặc sử dụng bên trong cơ thể người”.
Tuy nhiên, giáo sư Kevin Warwick, người đầu tiên trên thế giới cấy chip vào cơ thể năm 1998 và hiện làm việc tại Trường ĐH Coventry (Anh), trấn an rằng việc cấy chip không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người.
Không những thế, theo chuyên gia hàng đầu trong ngành điều khiển học này, việc sử dụng chip cấy ghép sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người trong tương lai. Chẳng hạn như những thông tin cần thiết của hộ chiếu có thể được đưa lên chip cấy ghép để giúp đẩy nhanh quá trình làm thủ tục khi ra nước ngoài.
Theo Nười Lao Động