Hội chứng "nghiện smartphone" là một căn bệnh của thời đại kỹ thuật số và không ít quốc gia đang đau đầu để giải quyết vấn nạn này. Làm cách nào để một người chịu rời bỏ chiếc smartphone của anh ta (chị ta) trong khi đầu óc họ lúc nào cũng lởn vởn nhưng tin nhắn trên Facebook, Twitter hay một bộ phim trên YouTube?
Cũng như nhiều người khác, Susan Butler có thói quen nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình mọi lúc mọi nơi. Nhưng khác biệt ở đây là cô đã bỏ ra số tiền 195 USD để mua một chiếc nhẫn của công ty Ringly với tin tưởng vào lời quảng cáo sẽ giúp cô rời xa chiếc điện thoại của mình trong một tâm trạng thoải mái.
|
Làm cách nào để chống lại hội chứng nghiện smartphone?
|
Ringly thực hiện điều này bằng cách kết nối chiếc nhẫn của mình với một bộ lọc điện thoại thông minh cho phép người dùng tắt thông báo từ Gmail hay Facebook trong khi vẫn giữ lại các thông báo quan trọng như tin nhắn từ người giữ trẻ. Chiếc nhẫn sẽ rung báo hiệu mỗi khi có những tin nhắn quan trọng (theo cài đặt của người dùng).
"Hy vọng rằng nó sẽ giữ một khoảng cách giữa điện thoại và bàn tay của tôi", Butler (27 tuổi, sống tại Austin, Tex), một chuyên gia tư vấn công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ cho biết.
Với sự phổ biến của điện thoại trong cuộc sống hiện nay, nhiều người trong chúng ta quên đi một điều rằng đây là một công nghệ còn khá mới. Chiếc iPhone đầu tiên ra đời cách đây 8 năm và tới nay đã một nửa dân số Mỹ sử dụng điện thoại thông minh (theo eMarketer). Mọi người dành khoảng 3 giờ cho việc tương tác với màn hình điện thoại mỗi ngày, cho dù không phải tất cả thời gian đó họ điều dành cho việc trò chuyện.
Một cuộc khảo sát gần đây của Bank of America cho thấy một số liệu hết sức đáng lo ngại:"có một phần ba số người được hỏi cho biết họ có thói quen kiểm tra điện thoại liên tục, trong khi hai phần ba số người thú nhận họ đi ngủ với chiếc smartphone ở bên cạnh".
Chính những thói quen có hại này của người dùng đã mở ra cơ hội cho các công ty kinh doanh các giải pháp giúp giảm chứng nghiện điện thoại.
Kate Unsworth, người sáng lập công ty Kovert (Anh) chuyên sản xuất các món trang sức công nghệ cao giúp người dùng bớt phụ thuộc vào điện thoại cho biết:"Công nghệ đã phát triển một cách nhanh chóng, vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta và ít ai chịu dừng lại để suy nghĩ về những tác động của chúng đối với cuộc sống".
Nhiều thiết bị đeo được giới thiệu để giảm bớt hành vi kiểm tra điện thoại liên tục ở người dùng, điển hình như Apple Watch. Tháng trước, Google và Levi cũng công bố một dự án về áo khoác công nghệ cao cho phép tắt chuông điện thoại từ cúc áo của người dùng.
Paul Dillinger, người phụ trách đổi mới sản phẩm toàn cầu của Levi tâm sự rằng:"Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ sản xuất những bộ quần áo giúp khách hàng giao tiếp tốt nhất với các thiết bị công nghệ trong khi vẫn giữ mối quan hệ tốt với những người xung quanh". Ví dụ, bạn có thể chạm vào áo khoác để tắt cuộc gọi điện thoại, trong khi vẫn trao đổi ánh mắt với người đang ngồi ăn tối cùng với mình.
Một ứng dụng là Offtime đã được phát hành cho phép hạn chế người dùng tiếp xúc quá nhiều với một phần mềm nào đó và ghi lại thống kê mà người đó dành cho điện thoại của họ. Một ứng dụng khác là Moment, hoạt động như một trò chơi khi cho phép bạn chia sẻ hoạt động sử dụng smartphone với mọi người và thi đua xem ai là người sử dụng điện thoại ít nhất. Hay như một nhà thiết kế ở New York đã sáng tạo ra một chiếc điện thoại gọi là Light Phone, chỉ cho phép người dùng thực hiện chức năng nghe và gọi, khiến họ rời xa các ứng dụng quen thuộc trên smartphone.
Một sản phẩm khác là NoPhone, được bán ra với giá 12 USD với thiết kế giống smartphone nhưng thật ra chẳng có lấy một tính năng thông minh nào. Van Gould, Giám đốc nghệ thuật của một công ty quảng cáo ở New York, người đứng đầu liên doanh sản xuất NoPhone cho biết đã có 3200 chiếc điện thoại này được bán ra thị trường dành cho những người nghiện smartphone.
Trong khi ngày trước, mỗi khi muốn tìm kiếm thông tin, bạn sẽ lên mạng và gõ từ khóa tìm kiếm. Nhưng ngày nay, các công ty đã nghiên cứu tối đa hành vi của con người với các thiết bị điện tử và biết lúc nào, khi nào họ cần gì và sẽ gửi các thông báo liên tục vào điện thoại của họ. Chính điều này đã tạo ra hội chứng quá phụ thuộc và lúc nào cũng muốn kiểm tra điện thoại của người dùng.
Một số sản phẩm đang tìm kiếm một sự cân bằng, ví dụ như Google Now, trợ lí ảo giúp sử dụng các dữ liệu như vị trí, Gmail và các hoạt động duyệt web để biết những gì mà người dùng cần đến. "Nếu tôi quên ngày sinh nhật của con tôi, tôi muốn điện thoại nhắc nhỏ mình về điều đó", Sundar Pichai, Phó chủ tịch cấp cao của Google từng cho biết khi giới thiệu về Google Now.
Điều này làm cho nhiều người nghĩ rằng Google đang định hướng cuộc sống của họ khi họ ngày càng phụ thuộc vào các ứng dụng như Google Calendar và Gmail. Google ngày càng hiểu người dùng, có nghĩa là công ty cũng dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh các công cụ quảng cáo để tiếp cận khách hàng.
Paul Atchley, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Kansas thì nhìn nhận chứng nghiện điện thoại dưới hai góc độ khác nhau: thứ nhất, đó là sự phiền nhiễu mà hội chứng này mang đến cho người dùng; Thứ hai, việc kiểm tra điện thoại đôi khi lại mang lại sự thoải mái cho người dùng như thể họ vừa hoàn thành được một nhiệm vụ nào đó.
Giống như nhiều người trong chúng ta, khi vừa rời khỏi một cuộc họp hay một cuộc hẹn với bác sĩ, Susan Butler vẫn ngay lập tức muốn kiểm tra trạng thái trang mạng xã hội của mình. Cô cũng có thói quen là mở một trang web, đóng nó lại sau đó lại mở ra với hi vọng nó sẽ hiển thị một cái gì đó mới mẻ hơn. Và đây là những lí do mà cô phải tìm tới sự giúp đỡ của Ringly.
Tuy nhiên, Atchley lại hoài nghi tính hữu hiệu cũa Ringly khi ông cho rằng nghiện điện thoại là một vấn đề cá nhân hết sức mạnh mẽ mà muốn vượt qua phải dùng ý chí chứ không phải đơn giản là sử dụng một công cụ để lọc tin nhắn.
Theo Trí Thức Trẻ