Theo ScienceAlert, NASA vừa nâng cấp kết nối ở Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bằng việc tăng gấp đôi tốc độ gửi, nhận dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng, Sao Hoả và xa hơn nữa.
Nâng cấp mới sẽ giúp tốc độ kết nối tại ISS có thể đạt 600 Mbps, tăng gấp đôi lượng dữ liệu mà trạm có thể truyền và nhận lúc trước. Ngoài ra, sự cải thiện tốc độ ở ISS có thể sẽ mở đường cho các nâng cấp tương tự sắp tới tại đề xuất "Cánh Cổng – Gateway" trên không phận Mặt Trăng của NASA.
|
Nâng cấp mới sẽ giúp tốc độ kết nối tại ISS có thể đạt 600 Mbps. Ảnh: Wikipedia.
|
“Mạng lưới thông tin liên lạc đóng vai trò nòng cốt trong mọi nhiệm vụ của NASA. Sự nâng cấp tốc độ dữ liệu lần này tại ISS nhằm để nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp các dịch vụ vận hành chất lượng cao cho những sứ mệnh thám hiểm của NASA”, George Morrow, quyền Giám đốc Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2000, ISS đã mang đến cho những phi hành gia và nhà khoa học một môi trường riêng biệt để tiến hành các nghiên cứu vốn không thể thực hiện được trên Trái Đất.
“Dự án này đã chứng minh rằng các dạng sóng tần số vô tuyến cải tiến có thể được sử dụng một cách hiệu quả để tăng tốc độ dữ liệu và cải thiện hiệu suất cho dịch vụ truyền thông tốc độ cao. Trong tương lai, chúng có thể tạo bước đệm cho hành trình khám phá của con người trên sao Hỏa", Risha George, trưởng dự án nâng cấp mạng lưới vũ trụ giải thích.
|
Quá trình chuyển tiếp dữ liệu giữa ISS và các trung tâm mặt đất. Ảnh: NASA.
|
Hiện tại, một loạt ăng ten trên mặt đất cùng hệ thống vệ tinh Theo dõi và Chuyển tiếp Dữ liệu của NASA đang được sử dụng để truyền dữ liệu giữa ISS với Trái Đất.
Các vệ tinh này được đặt trên một quỹ đạo cao ở nhiều vị trí khác nhau để chúng có thể truyền dữ liệu xuống mặt đất. Dữ liệu sau đó được gửi đến các trung tâm khác nhau của NASA bằng cách sử dụng điện thoại cố định. Toàn bộ quá trình có độ trễ dưới một giây.
Người ta cũng cải tiến các trạm mặt đất để đáp ứng băng thông Internet tốc độ cao cho hệ thống trên không gian.
Phương Thảo