Thông tin từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT-thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ ngày 1-7/8, đơn vị này đã ghi nhận nhiều website của Việt Nam bị tấn công.
|
(Nguồn: VNCERT) |
Cụ thể, đơn vị này đã ghi nhận và phát hiện 357 trường hợp sự cố tấn công thay đổi giao diện trên toàn quốc (có 18 website của các Bộ, ngành, Cơ quan nhà nước). Sau khi kiểm tra, VNCERT đã gửi 274 yêu cầu điều phối đến các đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, các chuyên gia của VNCERT ghi nhận 66 tên miền có địa chỉ IP máy chủ đặt tại Việt Nam bị tấn công chiếm quyền điều khiển và thay đổi giao diện do hacker Trung Quốc gây ra.
Các hacker tấn công website Việt Nam còn tìm cách chèn mã giả mạo. Cũng trong khoảng thời gian trên, VNCERT ghi nhận được 183 trường hợp liên kết website bị chèn mã Phishing (giả mạo), trong đó có 1 đơn vị thuộc Cơ quan nhà nước. Các mã này hướng tới giả mạo các tổ chức lớn như Google, Facebook hay các tổ chức ngân hàng, tài chính như Halifax, Wells Fargo.
Bên cạnh đó, VNCERT cũng phát hiện có tổng số 173 liên kết website đang hoạt động tại Việt Nam bị chèn mã độc. Các mã độc được chèn vào chủ yếu là các iframe ẩn (nhằm tăng lượt xem trang), hay các đoạn mã tự động LIKE Fanpage Facebook.
Trước đó, thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong tháng Bảy có 1.007 máy chủ và 2.198 website bị hacker tấn công với mục đích gửi thư rác.
Số liệu về các trang web bị tấn công trong tháng Bảy cũng ghi nhận lượng website có tên miền .com chiếm tới 59%, kế tiếp là .vn với 27%, .net là 10%... Một số mạng máy tính ma (botnet) lớn được ghi nhận hoạt động tại Việt Nam trong tháng Bảy được “điểm danh” gồm Virut, Ramit, Dofoil, Aaeh, ZeroAccess…
Theo Vietnamplus