Người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã đưa ra một thông báo nội bộ rằng công ty đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, ông muốn nhân viên làm việc hiệu quả hơn để tạo ra những sản phẩm mới. Những người không đạt yêu cầu sẽ bị trừ lương và có thể bị sa thải.
Từ tháng 5, Huawei đã gặp nhiều khó khăn khi nằm trong danh sách đen của Mỹ và bị cấm giao dịch với các nhà cung cấp thiết bị của nước này. Mặc dù đã có lệnh gỡ cấm vận 3 tháng, nhưng những hậu quả mà Huawei phải gánh chịu là rất lớn.
|
Ông Nhậm Chính Phi, CEO của công ty Huawei. Ảnh: Fortune.
|
Tổn thất lớn nhất của công ty Trung Quốc này là ở thị trường smartphone. Theo tính toán của Huawei, họ đã bán ít hơn 60 triệu điện thoại trong năm 2019 khi dính lệnh cấm vận. Trong năm 2018, Huawei xuất xưởng 206 triệu điện thoại, tăng 34%.
Theo thống kê của IDC, doanh số của của Huawei tăng đến 50%, trong khi Apple và Samsung đều giảm trong quý đầu tiên của năm 2019. Sang quý thứ 2, con số này của công ty Trung Quốc chỉ còn là 8,3%.
Huawei cũng đang chiếm được thị phần tại châu Âu và trên đường trở thành nhà cung cấp điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc không được sử dụng hệ điều hành Android từ Google cũng như hệ sinh thái ứng dụng Play Store khiến điện thoại Huawei chỉ còn được ưa chuộng tại quê nhà.
Ông Nhậm lên tiếng cảnh báo các nhân viên “thừa thãi” tại công ty cần tìm cách để làm việc hiệu quả hơn.
“Bạn có thể làm việc theo nhóm, thảo luận với nhau để cho ra đời các dự án mới. Nếu làm tốt, bạn sẽ được thăng chức. Ngoài ra, bạn có thể thử sức mình ở một vai trò mới. Nếu không làm được những điều đó, bạn sẽ bị giảm lương mỗi 3 tháng”, ông Nhậm viết.
Việc có nguy cơ bị cắt phép dùng Android khiến Huawei phải gấp rút xây dựng một hệ điều hành mới cho riêng mình. Công ty này đã làm việc 24/7, chia làm 3 ca, hợp tác với hơn 10.000 lập trình viên để không còn phụ thuộc về phần mềm và vi mạch từ Mỹ.
Cuối cùng, Huawei cũng cho ra mắt HarmonyOS và chứng tỏ họ đủ khả năng xây dựng hệ điều hành riêng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa khiến người dùng hoàn toàn tin tưởng vào việc có thể thay thế hoàn hảo Android.
|
Huawei đã cho ra mắt hệ điều hành HarmonyOS. Ảnh: Xuân Tiến.
|
Việc bị cấm vận cũng khiến danh tiếng của Huawei đi xuống, nỗ lực hồi phục công ty cũng khiến khối lượng công việc lớn luôn đè nặng lên vai các nhân viên. Do đó, chảy máu chất xám là điều không thể tránh khỏi. Công ty cũng phải cắt giảm nhân sự để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Ưu tiên của ông Nhậm bây giờ là thăng chức, tăng mức đãi ngộ dành cho những nhân viên tài năng, có khả năng thúc đẩy năng suất làm việc của đồng nghiệp lên cao và thổi một luồng sinh khí mới cho Huawei.
Giải thích về giấy phép gia hạn cho Huawei, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết một số hãng viễn thông Mỹ vẫn phụ thuộc vào công nghệ Huawei và cần thời gian để rũ bỏ. Dù đã "dễ thở" hơn, nhưng tình trạng của công ty Trung Quốc này vẫn còn rất bấp bênh.
Theo Zing.vn