Phải hiểu âm dương ngũ hành mới tính đến sinh khắc
Nhà nghiên cứu Tử vi Đồng Thị Bích Hường, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cho biết, trong những năm gần đây, trào lưu nghiên cứu Kinh dịch, Tử vi, Tử bình, Phong thủy, Thái Ất... để tìm hiểu vận mệnh của con người vẫn là sự háo hức của biết bao thế hệ. Nhưng để hiểu một cách sâu sắc Mệnh và Vận không thể trong một sớm một chiều mà nắm vững được thấu đáo.
Nhiều người mới nghe hai từ "xung khắc" đã lo, mất bao tiền của hóa giải, ngược lại không ít người thấy tương sinh thì hí hửng nhưng thực tế đôi khi lại hại nhau. Chung quy cũng tại bởi sự hiểu biết về Sinh - Khắc trong lý lẽ âm dương ngũ hành của đông đảo người dân chưa có một diễn đàn nào công khai bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Đồng Thị Bích Hường cho biết, người xưa đã nhận định và chứng minh sự biến hoá không ngừng của vạn vật theo thuyết Âm - Dương. Âm dương không phải là một dạng vật chất cụ thể nào mà là một thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi sự vật, nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn, chi phối sự biến hoá và phát triển của sự vật.
Âm dương tuy bao hàm ý nghĩa đối lập, mâu thuẫn nhưng bao trùm cả ý nghĩa về nguồn gốc ở nhau mà ra, vừa hỗ trợ nhau để phát triển, vừa chế ước nhau để tồn tại. Âm nằm trong để giữ gìn cho Dương, Dương ở ngoài để giúp đỡ cho Âm. Có Âm mà không có Dương thì Âm không phát triển được, có Dương mà không có Âm thì Dương không trưởng thành được. Âm cực thịnh thì sinh Dương, Dương cực độ thì suy thành Âm.
Trong quá trình phát triển của hai cặp đối lập Âm - Dương cùng nhau dung nạp và sinh khắc mà sản sinh ra năm loại vật chất cơ bản gọi là ngũ hành cấu tạo nên vũ trụ và con người đó là: Thủy - Mộc - Hoả - Thổ - Kim. Trong đó theo chiều thuận: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy lại dưỡng Mộc... chu kỳ sinh dưỡng cứ tiếp diễn mãi thúc đẩy sự phát triển không ngừng của vạn vật.
Trong quan hệ tương sinh lại có quan hệ tương khắc nghĩa là ức chế lẫn nhau biểu hiện sự thăng bằng trong sinh trưởng như Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Trong trạng thái bình thường, sự tương khắc có tác dụng duy trì sự thăng bằng, nhưng nếu khắc thái quá làm cho sự phát triển gặp trở ngại.
Như thế vẫn chưa đủ, người xưa còn thiết lập năm tháng ngày giờ theo hệ thống từng cặp thiên can và địa chi mang đặc tính âm dương ngũ hành. Thiên can gồm Giáp - Ất, Bính - Đinh, Mậu - Kỷ, Canh - Tân, Nhâm - Quý trong đó: Giáp là dương thuộc hành Mộc - Ất là âm thuộc hành Mộc. Bính là dương thuộc hành Hoả - Đinh là âm thuộc hành Hoả. Mậu là dương thuộc hành Thổ - Kỷ là âm thuộc hành Thổ. Canh là dương thuộc hành Kim - Tân là âm thuộc hành Kim. Nhâm là dương thuộc hành Thủy - Quý là âm thuộc hành Thủy. Địa chi gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong đó, Tý là dương thuộc hành Thủy - Hợi là âm thuộc hành Thủy. Dần là dương thuộc hành Mộc - Mão là âm thuộc hành Mộc. Tỵ là âm thuộc hành Hoả - Ngọ là dương thuộc hành Hoả. Thân là dương thuộc hành Kim - Dậu là âm thuộc hành Kim. Thìn, Tuất là dương thuộc hành Thổ - Sửu, Mùi là âm thuộc hành Thổ.
|
Ảnh minh họa. |
Sinh khắc thuận ngược
Bà Đồng Thị Bích Hường cũng cho biết, chúng ta ứng dụng thuyết Âm dương ngũ hành của người xưa trong đời sống nhân loại để phán đoán phú - bần - thọ - yểu - quý - tiện - sang - hèn - vinh - nhục của mỗi kiếp người. Nhưng như vậy chưa đủ bởi trong tương sinh, còn có khái niệm sinh thuận và sinh ngược. Khắc cũng có khắc thuận và khắc ngược.
Ví dụ: Một cặp vợ chồng mà nam giới tuổi Ất Tỵ mệnh Hoả lấy vợ tuổi Kỷ Dậu mệnh Thổ, trong trường hợp này mệnh chồng sinh cho mệnh người vợ được gọi là tương sinh nhưng sinh ngược, vì nói nôm na nam giới không sinh nở. Người chồng không có chức năng sinh nên bị suy nhược, mệt mỏi, dẫn tới hay cằn nhằn, cáu bẳn.
Nếu sức khoẻ người chồng không tốt thì thể chất lại càng nhuyễn nhược. Cặp vợ chồng này sinh hai con, trai đầu lòng sinh năm Tân Mùi mệnh Thổ, gái thứ hai sinh năm Bính Tí mệnh Thủy. Mệnh chồng sinh mệnh người vợ đã mệt, giờ lại sinh thêm mệnh người con, tuy cha con tâm đầu ý hợp nhưng nếu không có cách khắc phục, thì cơ thể người cha dễ dẫn tới gầy gò. Bên cạnh lại có cô con gái mệnh Thủy khắc Hoả, thì sự mệt mỏi ấy tăng lên khá nhiều và rất khó chỉ bảo cho con, vì trong trường hợp này, con gái khắc cha, được gọi là khắc ngược, tuy con có thể yêu cha nhưng người cha khó dậy dỗ, bảo ban con gái.
Còn người mẹ mệnh Thổ, bình hoà với mệnh con trai nên sống cùng nhà yên ả, hiền hoà và khắc mệnh con gái nên dạy con gái rất nghiêm. Mệnh con bị mệnh người mẹ khắc nên trong giáo dưỡng có phần thuận lợi.
Ngược lại, nữ mệnh Hoả lấy nam mệnh Thổ thì gọi là tương sinh và sinh thuận. Nhất là âm Hoả kết hợp với dương Thổ lại càng quân bình, trong nhà luôn có sự thuận hoà nhường nhịn.
Chỉ xét riêng mệnh đã có muôn điều giằng co chi phối, chưa kể tới địa chi trong tứ hành xung, tam hợp, nhị hợp hay xung đối. Biết được lý lẽ về âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc giúp cho mỗi người có cách nhìn thoáng hơn trong giao tiếp cũng như khi có sự bất hoà thì biết cách tiến thoái phù hợp thích nghi trong từng hoàn cảnh cụ thể.
- Tam hợp cục: Trong 12 chi, cứ 3 chi phối hợp thành một hình "tam giác đều" đỉnh ở 4 hướng thuộc 4 hành, gọi là "Tam hợp". Đó là: Thân, Tý, Thìn: Thủy cục; Hợi, Mão, Mùi: Mộc cục; Dần, Ngọ, Tuất: Hỏa cục; Tỵ, Dậu, Sửu: Kim cục. Còn Thổ vì ở Trung tâm nên không thành Cục.
- Địa chi tương hình (là cản trở lẫn nhau, không hòa hợp). Có 3 trường hợp: Tý Ngọ - Mão Dậu; Dần Thân - Tỵ Hợi; Sửu Mùi - Tuất Thìn. Có hai chi tự hình, đó là Thìn với Thìn, Ngọ với Ngọ.
- Địa chi tương hại (tức là làm hại lẫn nhau), có sáu trường hợp: Tý - Mùi tương hại (Thủy - Thổ); Sửu - Ngọ tương hại (Thổ - Hỏa); Dần - Tỵ tương hại (Mộc Thổ); Thân - Hợi tương hại (Kim - Thủy); Dậu - Tuất tương hại (Kim - Thổ). |
Thúy Nga