Dựng một “Rạp hát tại gia” từ con số không

Google News

(Kiến Thức) - Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về cách xây dựng và tổ chức các thiết bị để phục vụ cho nhu cầu nghe nhìn ngay tại nhà.


Hiện nay, rạp hát tại gia (home theater) không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Còn gì tuyệt hơn khi được quây quần cùng với gia đình để xem một bộ phim yêu thích, hay cùng thưởng thức những bài hát vào dịp cuối tuần.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của hầu hết mọi người chính là vấn đề kỹ thuật. Bởi không phải ai cũng có điều kiện và thời gian để tìm hiểu những thông tin vốn rất phong phú và đa dạng như hiện nay.
 Rạp hát tại gia đang là xu hướng của các tín đồ công nghệ nghe nhìn.
Dưới đây xin giới thiệu với các bạn những thông tin cơ bản nhất để xây dựng một rạp hát tại gia. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về cách xây dựng và tổ chức các thiết bị để phục vụ cho nhu cầu nghe nhìn ngay tại nhà.

Rạp hát tại gia là gì?

Đây là một khái niệm xuất hiện cách đây rất lâu, tuy nhiên nó chỉ mới du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 5 năm. Rạp hát tại gia ám chỉ hệ thống thiết bị nghe nhìn được sử dụng để phục vụ nhu cầu xem phim hoặc nghe nhạc cho gia đình.

Rạp hát tại gia bao gồm màn hình lớn (TV hoặc máy chiếu) để trình diễn hình ảnh và hệ thống âm thanh vòm để tái tạo lại hiệu ứng âm thanh lập thể thường thấy trong rạp chiếu phim. Rạp hát tại gia có thể là phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc hay phòng chiếu phim.

Bạn cần những gì?

Rạp hát tại gia là một hệ thống bao gồm rất nhiều thiết bị nghe nhìn cùng hoạt động đồng bộ với nhau. Để khái quát hóa, dưới đây là những thành phần mà bạn sẽ cần tới:
 Các thiết bị cơ bản cho rạp hát tại gia.

TV hoặc máy chiếu

Màn hình TV hoặc máy chiếu là thiết bị không thể thiếu cho một rạp hát tại gia. Giá của cả 2 thiết bị này hiện rất phải chăng. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc ưu và nhược điểm của từng loại để có sự lựa chọn hợp lý hơn.

TV thường phù hợp với phòng khách hoặc các không gian có cường độ sáng mạnh. Để trải nghiệm hình ảnh được tối ưu, bạn nên chọn những chiếc TV có kích thước càng lớn càng tốt. Với chi phí dưới 15 triệu đồng, bạn có thể chọn những chiếc TV có kích thước 50-inch trở xuống. Với số tiền trên 15 triệu đồng, bạn có kích thước lớn hơn. TV hiện rất phong phú về chủng loại và thương hiệu, do đó bạn có rất nhiều những sự lựa chọn. Tuy nhiên, hãy thật cân nhắc khi muốn mua một chiếc TV.
 TV và loa biến phòng khách thành rạp hát tại gia.
Đối với máy chiếu, điểm mạnh là bạn có thể tăng kích thước của màn hình lên hàng trăm inch, giúp cho trải nghiệm phim ảnh giống với rạp chiếu phim hơn. Giá của máy chiếu và màn chiếu hiện cũng rất cạnh tranh so với TV. Cụ thể, với số tiền chưa đến 30 triệu đồng, bạn có thể sắm một hệ thống máy chiếu có màn hình lên tới 120 - 150 inch. Thêm vào đó, sự tiến bộ của công nghệ hiển thị cũng giúp cho chất lượng trình chiếu của máy chiếu hiện nay ngang ngửa TV.

Nhược điểm của máy chiếu là người dùng phải kiểm soát ánh sáng của môi trường xung quanh. Các videophile (thuật ngữ chỉ những người đam mê công nghệ hình ảnh) hiện nay thường dành riêng một phòng kín để lắp đặt máy chiếu và màn chiếu. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện như vậy, bạn có thể tận dụng phòng ngủ, phòng làm việc hoặc một không gian kín để lắp đặt máy chiếu và màn chiếu.
 Máy chiếu mang đến màn hình lớn và có chất lượng hình ảnh không kém cạnh so với TV.

AV Receiver

AV Receiver thực chất là một hệ thống amply kỹ thuật số, có khả năng giải mã được các định dạng âm thanh vòm để phát ra loa. Ngoài ra, thiết bị này còn cho phép hình ảnh có thể truyền qua để chiếu lên TV hoặc máy chiếu.

Có rất nhiều loại AV Receiver để cho bạn lựa chọn. Các thương hiệu phổ biến nhất tại Việt Nam là Denon, Pioneer, Onkyo, Yamaha, Marantz và Sherwood. Giá cả của từng loại cũng vô cùng phong phú, tuy nhiên, với những người mới bắt đầu làm quen với công nghệ nghe nhìn thì một bộ AV Receiver sơ cấp với giá từ 7 đến 15 triệu đồng là những lựa chọn phù hợp.
Những sản phẩm nằm trong mức giá ở trên đều được trang bị các tính năng cần thiết như giải mã âm thanh vòm không nén (Dolby Digital, DTS), xuất được video Full HD và đầu ra âm thanh 5.1 kênh hoặc 7.1 kênh.
 Các AV Receiver ngày nay được tích hợp rất nhiều tính năng.

Loa

Trong một rạp hát tại gia thì hệ thống loa rất quan trọng, giúp mang lại cảm giác âm thanh lập thể thường thấy trong các rạp hát chuyên nghiệp.

Hiện nay, hệ thống loa phổ biến nhất vẫn là 5.1 kênh, bao gồm 2 loa chính (front), 1 loa trung tâm (center), 2 loa vòm (surround), và 1 loa siêu trầm. Trong đó, các loa front, center và surround thường được gọi chung là loa vệ tinh.
 Một bộ loa như thế này được bán với giá chưa đến 10 triệu đồng.

Giống như TV và AV Receiver, loa có rất nhiều lựa chọn về thương hiệu và giá cả. Thông thường, loa để xem phim dễ chọn hơn là loa nghe nhạc. Với mức độ đầu tư sơ cấp, bạn có thể chọn những bộ loa có giá dưới 15 triệu đồng. Một số thương hiệu có sản xuất dòng loa bình dân được giới nghe nhìn đánh giá cao như là Jamo, Jamaha…


Thiết bị phát

Có 3 loại thiết bị phát chuyên dụng thường được dùng trong rạp hát tại gia, đó là HTPC, HD Player và Android box/stick.

HTPC thực chất là máy tính để bàn, mini-PC hoặc laptop. Tuy nhiên cấu hình phần cứng và phần mềm của nó đã được người dùng thiết lập để phục vụ cho việc xem phim và nghe nhạc. Hầu hết các nền tảng phần cứng hiện nay đã xử lý tốt các tác vụ giải trí cần thiết, thông số quan trọng nhất chính là kết nối. Bạn sẽ cần tới đầu ra HDMI, USB, WiFi hoặc Enthernet…. để giao tiếp với các thiết bị âm thanh và hình ảnh trong gia đình mình.
 Mini-PC được thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với nhu cầu giải trí.

HD Player là một thiết bị phát xuất hiện ngay từ khi thú chơi HD mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, và nhanh chóng được cộng đồng đón nhận. Điểm mạnh của HD Player chính là khả năng tương thích cao với các chuẩn hình ảnh và âm thanh phổ biến, đầy đủ các kết nối nghe nhìn cần thiết, không cần thiết lập nhiều và sử dụng rất dễ dàng. Ngoài ra, các sản phẩm của những thương hiệu uy tín như Dune HD, IMAX hay HD-Life thường chạy rất ổn định và không phát sinh nhiều lỗi vặt.
 HD Player được giới nghe nhìn tin dùng nhờ tính ổn định và khả năng tương thích rất cao.

Android box hoặc Android stick mới xuất hiện trong 2 năm trở lại đây và gây nhiều sóng gió cho thị trường nghe nhìn HD. Điểm mạnh của thiết bị này đó là tận dụng được kho ứng dụng Google Play. Tuy nhiên, do nền tảng Android được thiết kế dành cho di động nên khả năng hỗ trợ các ứng dụng nghe nhìn hạn chế, và dễ bị phát sinh lỗi do không tương thích phần cứng.

Nhìn chung, nếu bạn không biết nhiều về kỹ thuật thì HD Player là lựa chọn hợp lý, còn nếu bạn muốn vọc và đam mê tìm hiểu thì có thể chọn HTPC làm thiết bị phát. Giá đầu tư cho cả hai loại thiết bị này có thể chưa đến 5 triệu đồng.

Giải pháp dàn âm thanh All-in-one (Tất cả trong một)

Hệ thống All-in-one là một lựa chọn khá hay cho các bạn không biết nhiều về kỹ thuật và không có nhiều kinh phí.

Về cơ bản, các dàn âm thanh all-in-one đã được nhà sản xuất tích hợp cả AV Receiver và loa 5.1 hoặc 7.1 vào trong cùng một bộ sản phẩm. Giá của các sản phẩm này cũng rất dễ chịu, và một số còn có thể phát được cả phim HD nữa.
 Dàn âm thanh 5.1 All-in-one là lựa chọn tốt cho những người mới bắt đầu thiết lập một hệ thống rạp hát tại gia.

Một số thương hiệu được ưa chuộng hiện nay là Denon, Yamaha, Onkyo, Pioneer, LG, Samsung và Sony. Mức giá của các sản phẩm này cũng phong phú không kém, từ các model dưới 15 triệu đồng cho tới các model hàng chục triệu đồng.
Quốc Thiện