Đồ nội thất chống cháy có hại sức khỏe

Google News

(Kiến Thức) - Đồ nội thất chống cháy đang trở thành xu thế. Nhưng theo các chuyên gia, vật liệu chống cháy tiềm ẩn các nguy cơ đối với sức khoẻ.

Rối loạn nội tiết...
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa công bố, chất chống cháy trong hàng loạt đồ nội thất như sofa, gối, thảm đệm... dễ gây hại cho sức khoẻ con người khi tiếp xúc, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. TDCPP là một loại hóa chất chính thường xuất hiện ở các bọt sử dụng để làm ghế sofa, gối, nệm và thảm đệm cũng như trong nhiều mặt hàng gia dụng khác. Hiện nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở khoảng 4 hoặc 5 chất chống cháy (bao gồm TPhP, ip-TPhP và EH-TBB), nhưng thực tế có hàng chục đến hàng trăm chất thoát ra từ các loại đồ dùng trong nhà. 
ThS Trần Văn Giáp, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chất chống cháy hiện khá phổ biến trong các thiết bị điện tử, xe hơi, máy bay và nhiều mặt hàng khác. Từng có nghiên cứu đưa ra một số bằng chứng thực nghiệm trên động vật cho thấy, chất chống cháy có thể phá vỡ hệ thống nội tiết của cơ thể, làm chuyển hóa hormon, đặc biệt là với những bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ. Các loại ghế, đệm, thảm, máy tính, đồ chơi trẻ em... là những nơi dễ lây lan chất độc nhất cho người. Nhiễm nhẹ thì sẩy thai, nặng thì nhiễm bệnh down, ung thư.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các sản phẩm nội thất chống cháy hiện nay, phổ biến nhất là chất chống cháy penta BDE vào bọt polyurethane. Sau này, khi chất penta BDE bị phát hiện là không phân hủy và cực kỳ độc hại, nó đã bị cấm sử dụng vào năm 2003. 
Ngoài việc gây hại cho sức khoẻ, chất chống cháy này còn gây hại cho môi trường. Nếu thải ra bãi rác, những chất chống cháy độc hại có thể ngấm vào đất, từ đó ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của con người. Nếu đốt những đồ đạc này đi, chúng có thể thải chất độc dioxin, xâm nhập và tồn tại trong cơ thể người hàng thập kỷ.
Chất chống cháy trong hàng loạt đồ nội thất như sofa, gối, thảm. 
Không nên dùng đồ chống cháy
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng, thay vì bổ sung chất chống cháy vào các vật dụng, nên dồn các nỗ lực để hạn chế và giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn. Mặc dù trong mỗi vụ cháy, đồ nội thất bọc là những đồ vật đầu tiên bắt lửa. 
Các thiết bị điện như tivi, máy tính, chăn điện thường có chất chống cháy brôm. Chất này giải phóng ra không khí, có thể bị hấp thụ và không dễ thải ra ngoài cơ thể. Hiện giờ, chất chống cháy brôm đã được xác nhận có thể dẫn tới sẩy thai nên bị cấm dùng ở các nước châu Âu như Thụy Điển. Lời khuyên là hãy đặt các thiết bị điện ở ngoài phòng ngủ, tránh hít phải chất chống cháy brôm khi ngủ.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, nguy cơ từ vật liệu chống cháy đã được cảnh báo từ lâu, nhưng đa phần khi mua đồ chống cháy chỉ nghĩ đến khả năng chống cháy mà không tính đến những nguy cơ khác nên thị trường đồ nội thất, điện tử chống cháy vẫn được người tiêu dùng đón nhận. 
Đồ nội thất được bọc da có thể chứa cao su bọt poliuretan, nguồn gốc từ dầu mỏ, chứa đầy chất hóa học và chất chống cháy. Do đó, hãy tìm những loại có vải bọc làm từ cao su thiên nhiên hoặc sợi vải hữu cơ. Không nên dùng đồ nội thất từ ván gỗ ép, trong quá trình sử dụng nó sẽ sinh ra formaldehyde, chất này có thể gây ung thư.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, về bản chất thì các loài chất này chỉ làm chậm quá trình bắt lửa chứ không chống cháy, không có tác dụng dập tắt lửa. Đó là chưa kể đến việc khi các chất này cháy âm ỉ, chúng tạo ra khói cực độc và có thể gây tử vong ở người. Để phòng chống cháy, tốt nhất là phải sử dụng các biện pháp cơ học, không nên dùng vật liệu chống cháy.
Năm 1973, tại Mỹ đã xảy ra một vụ ngộ độc do sai lầm đáng tiếc. Một tấn chất chống cháy PBB đã bị trộn lẫn vào thức ăn gia súc một cách vô ý. Chất độc hại này đã chuyển từ vật nuôi, sang sữa, trứng, thịt và cuối cùng vào cơ thể người. Hàng triệu gia súc ăn phải thức ăn độc hại trên đã bị tiêu hủy còn những người là nạn nhân của sự cố thì phải gánh chịu rủi ro mắc ung thư cao gấp 20 - 30 lần so với người bình thường.
Bảo Khánh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nha Đam -

Nhìn chung
Những đồ chống cháy hay không và nhiễm thế nào chỉ có người dùng mới biết được. Hiện nay đồ chúng ta dùng hầu như đều độc hại cả.

Hiển thị thêm bình luận