Thuộc đất nước Guatemala ngày nay, hàng năm, toàn bộ khu vực thành phố Tikal của người Maya cổ đại đều phải hứng chịu những đợt khô hạn, không hề có 1 hạt mưa rơi trong vòng 4 tháng.
Tuy vậy, nơi đây vẫn được biết đến với tư cách là đô thị khá sầm uất, là trung tâm của nền văn minh tiên tiến bậc nhất châu Mỹ, đạt đến trình độ rất cao trên nhiều lĩnh vực, cùng số dân có lúc lên tới 80.000 người vào năm 700 sau Công nguyên.
Sự mâu thuẫn này vốn là đề tài thách thức giới khoa học trong một thời gian dài và có lẽ sẽ chấm dứt trong thời gian tới vì mới đây, các chuyên gia đã tìm thấy câu trả lời nằm ở hệ thống cung cấp nước vô cùng đặc biệt chưa từng biết đến.
Nhu cầu sử dụng nước của cả thành phố Tikal luôn được đáp ứng đầy đủ nhờ vào một loạt hồ chứa cùng hệ thống đường dẫn bố trí hết sức khoa học giúp dự trữ lượng nước từ mùa mưa kéo dài 8 tháng và “để dành” đến những tháng hạn hán sau đó, nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. “Cư dân nơi đây có thể sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước một cách bền vững trong khoảng 1500 năm mà không bị gián đoạn”, Vernon Scarborough, nhà nhân chủng học tại Đại học Cincinnati.
|
Ngôi đền nổi tiếng của người Maya cổ đại ở Tikal. |
Scarborough và đồng nghiệp đã khai quật được nhiều hồ chứa, mương, kênh đào dẫn nước từ trên đỉnh đồi núi thành phố Tikal chảy xuống khu dân cư. Đây được coi là một trong những tiến bộ ban đầu về mặt công nghệ đặc biệt thú vị vì nó xuất hiện ngay thời cổ đại.
Con người bắt đầu xuất hiện ở Tikal từ 500 năm trước Công nguyên và đạt đỉnh vào khoảng 700 đến 900 năm sau Công nguyên. Cuộc sống của nhóm cư dân đầu tiên phụ thuộc vào nguồn suối tự nhiên. Khi dân số tăng, lượng nước này trở nên ít ỏi, không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, người Tikal đã mở rộng những con kênh, lạch tự nhiên và ngăn nước thấm xuống đất bằng cách chuyển các tảng đá lớn thường để dựng nhà hoặc đền thờ vào hồ chứa. Loạt hồ chứa này có thể dự trữ hàng ngàn lít nước mưa, thậm chí là 74.631 mét khối.
Để tận dụng quá trình lọc tự nhiên của đất và cát, người Maya xây dựng hệ thống phân phối nước từ nguồn sông suối có sẵn chứ không lấp chúng lại, buộc dòng chảy phải đi qua nhiều lớp cát, nhờ đó mà rác rưởi hay các mảnh vụn bị giữ lại.
Tuy rằng cuối cùng, nền văn minh Maya cổ đại vẫn sụp đổ do sức ép dân số và mức độ hạn hán ngày càng gia tăng nhưng những cách làm mang đậm tính khoa học như trên rất đáng để con người hiện đại ngày nay học tập. Trong điều kiện năng lượng đang dần khan hiếm, các giải pháp đơn giản, thân thiện với môi trường nên được ưu tiên hàng đầu, Scarborough nói.
(Theo ĐVO Livescience)