Chân chạm đất, khuỷu tay cao hơn mép bàn
Chỉ tay vào một chiếc bàn học có mặt phẳng nằm ngang, TS Lê Anh Dũng cho biết, hiện nay, nhiều gia đình sử dụng bàn học mặt phẳng để làm bàn học cho con. "Thấy con khi ngồi viết bị vặn lưng, hoặc gục đầu, đôi khi cha mẹ lại mắng con là không chịu ngồi thẳng lưng, nhưng nếu ngồi thẳng lưng thì chắc chắn lại phải cúi gằm cổ xuống vì tiêu điểm của mắt bao giờ cũng thẳng góc với trang giấy", TS Lê Anh Dũng phân tích.
Có trường hợp lại cho rằng, bàn quá cao hoặc quá thấp nên điều chỉnh bàn, nhưng cũng không thể khiến con ngồi ngay ngắn được. Nguyên nhân là do cái mặt bàn phẳng ngang. Vì mặt phẳng ngang chỉ phù hợp với việc thảo luận nhóm hoặc chỉ để ngồi ăn cơm. Còn khi đọc, viết thì mặt phẳng nghiêng 12 - 150 là thích hợp nhất, vừa khiến mắt nhìn thẳng không bị mỏi, vừa khiến người ngồi đọc, viết có thể ngồi ngay ngắn, thẳng lưng, thẳng cổ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tư thế ngồi vặn vẹo là mép bàn quá cao. Tư thế ngồi chuẩn được xác lập trên cơ sở ở trạng thái ít cố gắng nhất. "Khái niệm cố gắng ở đây có hai trạng thái, gồm cố gắng của hệ cơ bắp và hệ điều hành. Trong quá trình hoạt động của con người sẽ xảy ra quá trình oxy hóa, mọi hoạt động phải cố gắng thì quá trình oxy hóa xảy ra càng nhanh khiến chúng ta già đi. Học tập là một dạng lao động tư duy, cho nên quá trình oxy hóa xảy ra chủ yếu là ở hệ điều hành. Sự duy trì lâu ở trạng thái cố gắng làm cho hệ điều hành bị tổn thương và mất khả năng điều khiển các cơ khớp, làm thoái hóa các cơ bắp liên quan", TS Lê Anh Dũng phân tích.
|
TS Lê Anh Dũng thao tác điều chỉnh độ cao của bàn học có mặt phẳng nghiêng. |
Theo TS Lê Anh Dũng, khi mép bàn quá cao, người học phải nâng vai để nhấc khuỷu tay cao hơn mép bàn, thậm chí xoay ngang cả người mới có thể viết được. Chính trạng thái cố gắng này, dù rất nhỏ, chúng ta có thể không cảm thấy mỏi cổ, vai và cánh tay ngay lúc đó, nhưng về lâu dài trạng thái luôn luôn phải cố gắng đó sẽ ảnh hưởng đến các cơ xương khớp, cũng như quá trình lão hóa của cơ thể.
Tựa ghế cao càng phản tác dụng
Về những vấn đề cần chú ý khi chọn mua ghế, TS Lê Anh Dũng tư vấn, phụ huynh cần chú ý chọn hoặc điều chỉnh độ sâu của của ghế phải được 2/3 chiều dài của đùi, làm sao để khi ngồi phần cơ của đùi tì vào mặt ghế, được mặt ghế nâng đỡ, chứ không phải chỉ đặt riêng vùng xương chậu lên mặt ghế sẽ rất nhanh đau mỏi hông và lưng. Mặt ghế cũng không được quá sâu để lưng có thể tựa vào lưng ghế. Tựa ghế phải có độ cong để định hướng cho lưng và nâng đỡ lưng, giúp trọng lượng cơ thể không dồn vào mông và vùng hông xương chậu. Tựa lưng phải vừa đủ cao để người ngồi vẫn có thể thực hiện các động tác xoay lưng, chống mỏi.
|
Khi ngồi học khuỷu tay phải cao hơn mép bàn. |
Tốt nhất mép trên của tựa ghế phải ở dưới liên cơ delta (phía dưới hai mỏm xương bả vai) để lưng có thể quay nhẹ nhàng; mép dưới của tựa ghế phải cao hơn đường cong sinh lý của cơ thể đủ để nâng đỡ lưng. Ngoài ra, cũng cần chú ý chọn ghế sao cho khi ngồi chân phải chạm đất hoặc nếu không ghế phải có bộ phận kê chân. Bởi việc chân thả lỏng lửng lơ không chạm đất khiến cho chân bị "treo", mất điểm tựa gây mất trọng lực cho cơ thể.
Điều quan trọng nhất khi chọn bàn học là phụ huynh cần phải nhận thức đúng về ngồi thế nào là chuẩn. Cần phải hiểu rằng, chiều rộng của mặt bàn không ảnh hưởng đến tư thế ngồi chuẩn. Vì vậy, việc đi mua bàn ghế không nhất thiết cứ phải chăm chăm vào việc chọn bàn rộng, ghế to.
Bàn học có thể sử dụng trong vài năm. Trong vài năm đó học sinh sẽ có sự biến động về chiều cao vì thế bàn học cố định là không phù hợp. Tốt nhất nên chọn loại bàn có thiết bị điều chỉnh cao thấp để điều chỉnh theo chiều cao và cân nặng của trẻ nếu muốn sử dụng lâu dài. Việc điều chỉnh không quá khó, chỉ cần lấy chỉ tiêu là chân chạm đất (hoặc chạm giá để chân) sao cho khi ngồi tất cả lòng bàn chân đều được đặt trên nền nhà (hoặc giá để chân); mép bàn nằm dưới khuỷu tay thả lỏng để khi viết không phải vẹo, với.
Đức Anh