Cách làm khô an toàn
Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, Trưởng khoa Điện, trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội, trước tình trạng ngập nước các căn nhà nên tất yếu các thiết bị điện, điện tử như quạt, tivi, tủ lạnh... cũng bị chìm trong nước. Đây là tài sản lớn của người dân đã dành dụm từ mồ hôi, nước mắt mới sắm được. Vì thế, nguy cơ bị hư hỏng rất cao, nhưng nếu biết cách sẽ khắc phục được. Điều này đồng nghĩa sẽ cứu vãn được phần nào tài sản của người dân.
Đối với thiết bị điện, điện tử bị ngập trong nước, bước đầu tiên cần làm là rửa sạch. Bởi sau khi bị chìm ngập trong nước lũ, đồ điện sẽ tích bùn đất bẩn. Vì thế, cần mở vỏ thiết bị, sử dụng nước sạch dội nhẹ hoặc cần thiết dùng khăn lau mềm để lau các vết bùn đất bám vào linh kiện.
Sau đó để thiết bị thoát hết nước bằng cách cho nước chảy ra tự nhiên hoặc dùng quạt thổi gió giúp bay hơi nước. Nếu được, dùng quạt thổi gió là yếu tố tốt nhất cho đồ dùng. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị sấy có nhiệt độ cao để làm khô như máy sấy tóc...
"Thiết bị điện tử không chịu được nhiệt độ cao nên khi dùng máy sấy sẽ tạo ra nhiệt độ dao động từ 70 - 80 độ C khiến linh kiện bị hư hỏng. Trong khi đó, quạt thổi vẫn cho nhiệt độ môi trường bình thường", PGS.TS Lê Văn Doanh nhấn mạnh.
Để tiếp tục sấy khô bên trong linh kiện nhằm đảm bảo sự chắc chắn rằng máy đã hoàn toàn kiệt nước bằng nhiệt độ cao hơn, cách làm như sau: Đóng hộp gỗ hoặc bìa cứng, cho thiết bị điện, điện tử vào trong, bật sáng khoảng 2 - 3 bóng đèn sợi đốt (bóng đèn tròn) vào hộp và để khoảng 8 giờ. Lúc này nhiệt độ bóng đèn tỏa ra khoảng 600C sẽ làm khô thiết bị sâu từ bên trong.
"Nguồn thiết bị rất quan trọng và không chịu được ẩm và nhiệt độ cao. Vì thế, bằng cách sấy từ từ sẽ giúp thiết bị khô đều và an toàn", PGS.TS Lê Văn Doanh cho biết.
|
Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị sấy có nhiệt độ cao để làm khô như máy sấy tóc... |
Đo điện trở cách điện trước khi cắm điện
Theo các chuyên gia về điện, sau khi thoát nước, làm khô thiết bị điện, điện tử người dân chưa vội cắm điện để thử hay sử dụng. Bởi nếu cắm điện vội vàng sẽ có nguy cơ bốc khói, cháy máy. Thay vào đó, người dân cần đo điện trở cách điện để đảm bảo cách điện tốt. Điện trở cách điện là điện trở đo giữa một cực của nguồn và vỏ máy. Thiết bị đo là đồng hồ đo vạn năng, sử dụng thang đo điện trở hoặc Mêgôm kế. Có thể đo tại các cửa hàng điện tử, sửa chữa đồ điện. Điện trở cách điện đảm bảo cỡ khoảng 0,5M mới được đóng điện.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Nhiệt - Lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với các thiết bị nhiệt như tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng... ngoài việc sấy khô hoàn toàn, đo lại cách điện cần kiểm tra thêm cách nhiệt. Nếu bị ẩm bộ phận cách nhiệt cùng cần sấy khô bộ phận này.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trường hợp người dân không có khả năng để làm khô thiết bị, đo điện trở cách điện hoặc kém về chuyên môn thì cần đưa các thiết bị đến các trạm sửa chữa, bảo hành để được tư vấn, sửa chữa cụ thể hơn.
"Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp điện tử gia dụng như LG, Samsung, Media... cùng hỗ trợ người dân sửa chữa, hướng dẫn và đo điện trở cách điện cho người dân vùng lũ để thoát khỏi những khó khăn. Bản thân nhà khoa học cũng sẽ giúp đỡ bằng cách sẽ cử các giảng viên trẻ, sinh viên có tay nghề, sự hiểu biết để giúp dân. Đây là một việc làm ý nghĩa và thiết thực để giúp đồng bào vùng lũ lụt".
PGS.TS Lê Văn Doanh
Hiền Dung