|
Ảnh minh họa.
|
PGS.TS Nguyễn Duy Lâm cùng các cộng sự Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã chủ trì đề tài "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm bảo quản (chế phẩm tạo màng) dùng trong bảo quản một số rau quả tươi". Màng ở dạng sáp vi nhũ tương, dùng bôi trực tiếp lên bề mặt của quả, với thành phần chính là các loại sáp có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật như sáp polyethylene, sáp carnauba, sáp ong... nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dùng chế phẩm để bảo quản quả có múi ở điều kiện thường đã hạn chế được sự biến đổi bất lợi về các tính chất cơ lý và sinh hóa của quả, làm tăng thời gian bảo quản và duy trì được chất lượng của quả. Trong điều kiện thử nghiệm quy mô nhỏ tại phòng thí nghiệm, chế phẩm làm tăng thời gian bảo quản cam Vinh từ 20 - 60 ngày (tăng 3 lần), cam Hàm Yên và cam Hà Giang từ 20 - 45 ngày (tăng 2,2 lần), bưởi Diễn từ 4 - 12 tuần (tăng 3 lần), bưởi Đoan Hùng từ 4 - 13 tuần (tăng > 3 lần). Các chế phẩm có thể kéo dài thời gian bảo quản tới 45 - 60 ngày tùy theo giống quả có múi và điều kiện bao gói.
Kết quả thực nghiệm tại một số điểm trồng cây ăn quả cho thấy, sau khi bôi lên quả cam, sau 45 ngày, quả vẫn giữ được màu sắc hương vị, tỷ lệ thối hỏng và hao hụt khối lượng tự nhiên là 6%, hình thức và chất lượng quả được đảm bảo. Thử nghiệm trên quả bưởi, sau 30 ngày, quả vẫn giữ nguyên tính trạng ban đầu, tỷ lệ thối hỏng thấp hơn 10%.
Chế phẩm này đã được nhân rộng tại một số vùng có diện tích trồng cam, bưởi lớn như Nghệ An, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai, Vĩnh Long... Chi tiết liên hệ, Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, 126 Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, Website: http://www.viaep.org.vn - Email: info@viaep.org.vn.
Hà Bình