Nội địa hóa 70%
Theo CEO của Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, Bphone được nội địa hóa với tỉ lên trên 70%. Phần nhập khẩu gồm các linh kiện điện tử như vi xử lý, RAM, camera, các linh kiện cho mainboard, pin, sạc… Vậy 70% nội địa hóa gồm những gì, khi hầu hết tất cả linh kiện đều là nhập khẩu?
Đầu tiên là khâu thiết kế sản phẩm, Bkav đã tự tay mình thiết kế nên chiếc Bphone. Có thể có một vài chi tiết vay mượn từ các sản phẩm đi trước, nhưng không thể phủ nhận thiết kế của Bphone là tương đối ấn tượng.
|
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, tỉ lệ nội địa hóa của Bphone là 70 %.
|
Chưa quá xuất sắc về mặt hoàn thiện, nhưng thiết kế kim loại cùng 2 mặt kính cường lực là ý tưởng không tồi, so với các smartphone hiện tại. Điểm trừ là máy hoạt động vẫn rất nóng, có thể vì sử dụng khung kim loại dẫn nhiệt tốt, và vi xử lý thế hệ cũ.
Thiết kế phần mềm cũng do chính Bkav thực hiện trên chiếc Bphone. Hệ điều hành BOS được nâng cấp dựa trên Android 5 mới nhất, với nhiều ưu điểm khác biệt với những smartphone khác. Với một thương hiệu lần đầu ra mắt, việc Bphone dám phô diễn những ưu điểm của mình ngay trong buổi lễ ra mắt là tương đối ấn tượng, dù chưa thực sự hoàn hảo.
Khả năng sử dụng smartphone bằng 1 tay, lướt từ dưới lên để truy nhập các ứng dụng hay dùng trình duyệt Bchrome,… là những gì Bkav đã tự làm trên chiếc smartphone con cưng của mình. Bkav cần thêm thời gian để hoàn thiện phần mềm trên Bphone, ngày ra mắt phần mềm vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Việc đánh giá về chất lượng phần mềm cũng cần phải đợi khi có máy trên tay, tới thời điểm này, chỉ có thể nói Bphone mang phần mềm do người Việt nâng cấp và phát triển, dựa trên một nền tảng Android đã quá nổi tiếng trên thế giới.
Cuối cùng, Bkav lắp ráp Bphone tại Việt Nam. Chỉ riêng yếu tố này cũng có thể khiến Bkav tự tin gắn mác Made in Việt Nam trên chiếc smartphone của mình.
Công bằng mà nói, việc sản xuất Bphone tương tự như cách mà Apple làm với iPhone của mình, khi tự làm phần thiết kế sản phẩm và thiết kế phần mềm, còn các linh kiện được nhặt từ những nhà cung cấp trên khắp thế giới. iPhone ráp tại Trung Quốc nên Made in China, còn Bphone lắp ráp tại Việt Nam nên hoàn toàn có thể ghi dòng chữ Made in Việt Nam.
Bkav không thể đợi tới khi công nghiệp Việt Nam đủ phát triển để sản xuất vi xử lý, tụ điện, RAM hay thậm chí con ốc, để sản xuất smartphone. Lý do đơn giản là dù Việt Nam có làm được, mức giá cho linh kiện chắc chắn sẽ cao hơn mức giá của các đơn vị cung cấp linh kiện hàng loạt nổi tiếng trên thế giới, chưa nói đến chất lượng. Vì vậy, việc sử dụng linh kiện nước ngoài không phải là vấn đề với Bphone.
Chất lượng quyết định thành công
Trên trang web của mình, Bkav vẫn khẳng định Bphone là "siêu phẩm hàng đầu thế giới’. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu siêu phẩm này thất bại khi đến tay người dùng, bởi chính người dùng mới là người đánh giá đây có phải là siêu phẩm xứng đáng để bỏ ít nhất 11 triệu đồng để sở hữu hay không.
Khoảng 2 tuần nữa, những chiếc Bphone đầu tiên sẽ tới tay khách hàng đã đặt mua. Lúc đó, chất lượng của Bphone sẽ được phơi bày rõ nét.
Nếu máy hoạt động ổn định, phần mềm được nâng cấp và vá lỗi liên tục (sản phẩm mới như Bphone không thể tránh khỏi lỗi phần mềm), Bphone sẽ có cơ hội trong thị trường này. Còn nếu cái mác “siêu phẩm” chỉ là hữu danh vô thực và người dùng không thấy được giá trị, thì việc Bphone sớm khai tử cũng không quá khó hiểu.
Những bước đi đầu tiên của Bphone có thể đánh giá là thành công về mặt truyền thông. Tại thời điểm này, nếu bạn sở hữu 1 chiếc Bphone, chắc chắn tất cả những người xung quanh bạn sẽ hỏi mượn, để xem, để sờ, để lướt thử màn hình cảm ứng và để chụp thử những bức ảnh từ “Siêu phẩm hàng đầu thế giới”. Điều này, hiếm có một chiếc smartphone nào làm được.
Theo Tiền Phong