Larry Page rời vị trí CEO Google
Tháng 8/2015, Google bất ngờ công bố môt kế hoạch tái cơ cấu vô cùng lớn và ít ai ngờ tới. Hãng tìm kiếm khai sinh ra công ty mẹ có tên Alphabet, biến Google trở thành một công ty con hoạt động dưới quyền công ty mẹ mới phát triển các mảng Tìm kiếm (Search), Android, YouTube, Google Apps, Bản đồ (Maps), và quảng cáo (Ads). Ngoài Google, Alphabet còn có các công ty con khác, như Nest, công ty chuyên sản xuất các thiết bị cho nhà thông minh; hay Google X chuyên về các dự án "lạ" như xe hơi tự lái, kính thông minh...
Cuộc tái cơ cấu này cũng kéo theo những thay đổi nhân sự lớn tại Google. Larry Page, người đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Google, rời vị trí để lên làm CEO Alphabet cùng một đồng sáng lập khác là Sergey Brin. Có thể nói, không như việc biến động bộ máy lãnh đạo ở các công ty khác vốn là tín hiệu xấu, việc Larry Page từ chức CEO Google lại là một tín hiệu tích cực, cho thấy tham vọng vô cùng lớn của chính ông: trở thành ông chủ của một công ty lớn hơn, quy mô hơn, tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn... thay vì chỉ bó buộc vào Google như trước. Larry Page được đánh giá là người rất mơ mộng và bị "ám ảnh" bởi công nghệ. Google dưới thời của Page đổ ra rất nhiều tiền để mua lại các công ty sở hữu những công nghệ mà ông tin có thể làm thay đổi tương lai. Google X là một ví dụ. Được biết đến là "phòng thí nghiệm tuyệt mật của Google", công ty con của Alphabet này đang phát triển những chiếc xe tự lái, tuốc-bin chạy bằng sức gió, hay khinh khí cầu phủ sóng Internet ở các khu vực hẻo lánh.
Sundar Pichai làm CEO Google
Cùng với việc Larry Page lên làm CEO Alphabet, Sundar Pichai được bổ nhiệm làm CEO Google. Pichai là một trong những nhân sự đầu tiên khi Google được sáng lập. Gia nhập công ty năm 2004, ban đầu, anh chỉ tham gia phát triển Google toolbar - một tiện ích được thiết kế để người dùng trình duyệt IE và Firefox chọn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định.
Một vài năm sau, Pichai đảm nhận quản lý phát triển trình duyệt web Chrome, sản phẩm trình duyệt được Google dùng để cạnh tranh với chính IE của Microsoft và Firefox của Mozilla. Khi Chrome ra mắt người dùng lần đầu tiên vào năm 2008, nhiều người quan ngại về khả năng cạnh tranh của nó với các đối thủ. Thế nhưng, chỉ một thời gian không lâu, Pichai đã biến đây trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới nhờ đi đầu trong hàng loạt tính năng mà những IE, Firefox không có được. Chrome thậm chí được phát triển lên thành hệ điều hành chạy trên các máy laptop Chromebook bán rất chạy tại các trường học. Đến năm 2012, anh được giao quản lý thêm bộ phận Google Apps, trước khi tiếp quản Android năm 2013 rồi trở thành Phó Chủ tịch cấp cao.
Năm 2014, Pichai làm Giám đốc Sản phẩm, giám sát gần như tất cả các sản phẩm phần mềm tại Google. Anh điều hành Google+, Google Wallet, Android Pay và các dịch vụ Google Apps dành cho doanh nghiệp. Hồi cuối năm 2015 vừa qua, CEO mới của Google cũng đích thân có chuyến thăm tới Việt Nam để gặp gỡ và chia sẻ với cộng đồng startup công nghệ Việt.
Shin Jong Kyun thôi làm chủ tịch Samsung Mobile
Những ngày cuối năm 2015, Samsung cũng bất ngờ công bố thay thế chủ tịch mảng mobile communications, nhằm cải thiện tình hình kinh doanh ở mảng di động đang có dấu hiệu đi xuống. Chủ tịch mobile communications là Shin Jong Kyun được thay thế bằng Koh Dong Jin.
Shin năm nay 60 tuổi và là người có chuyên môn rất tốt về phần cứng. Ông được truyền thông nhắc tới, được người dùng nhớ mặt nhờ những lần bước ra sân khấu giới thiệu điện thoại Galaxy (như tại sự kiện công bố Galaxy S4 năm 2013 tại New York - Mỹ). Shin có công lớn trong việc giúp Samsung trở thành hãng sản xuất smartphone đứng số một thế giới - xét về doanh số bán. Minh chứng là khi ông lên làm chủ tịch Samsung mobile năm 2011, công ty Hàn Quốc mới chỉ xuất xưởng được hơn 94 triệu smartphone trong một năm; đến năm 2014, lượng máy xuất xưởng được đã tăng lên thành hơn 300 triệu máy - theo dữ liệu của trang Bloomberg. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian ông tại nhiệm, đặc biệt là khoảng thời gian năm ngoái, vị thế của Samsung ngày càng đi xuống: lợi nhuận giảm liên tiếp, để mất thị phần vào các công ty smartphone Trung Quốc.
Có thể nói rằng, đợt thay tướng lần này của Samsung có rất nhiều ý nghĩa. Công bố của Samsung được đưa ra trong thời điểm hãng đang gặp nhiều khó khăn ở mảng di động. Sau khi Apple tung ra iPhone màn hình to, điện thoại Galaxy Note của Samsung đã mất đi lợi thế cạnh tranh so với iPhone. Trong khi đó ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, hãng cũng bị tranh giành thị trường bởi các công ty điện thoại mới nổi từ Trung Quốc như Xiaomi và Huawei.
Thực tế đó nói lên rằng, Samsung không còn lợi thế trong cuộc chạy đua phần cứng, và hãng cần có các phần mềm, dịch vụ tốt để làm lợi thế cạnh tranh. Koh Dong Jin là người lý tưởng cho yêu cầu này, bởi ông từng phụ trách phát triển giải pháp bảo mật Knox và hệ thống thanh toán di động Samsung Pay. Koh Dong Jin năm nay 55 tuổi, và ông dành phần lớn thời gian làm việc tại Samsung cho công việc nghiên cứu và phát triển, giám sát đội Chiến lược công nghệ (Technology Strategy) từ năm 2007 đến 2014. Bên cạnh việc quản lý Knox và Samsung Pay, ông cũng là người phát triển mối quan hệ giữa công ty với các đối tác như Qualcomm, Google, Microsoft. Koh Dong Jin cũng tham gia giám sát việc phát triển Galaxy S6 và Galaxy Note 5 - 2 mẫu smartphone cao cấp mới nhất của Samsung.
CEO Dick Costolo của Twitter từ chức
Sau nhiều tháng làm thất vọng các nhà đầu tư, CEO Dick Costolo của mạng xã hội Twitter cuối cùng cũng phải từ chức hồi giữa tháng 6 năm ngoái. Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập Twitter, được cử lên làm CEO lâm thời từ 1/7/2015. Costolo vẫn sẽ nằm trong hội đồng giám đốc của Twitter, còn Dorsey cũng sẽ tiếp tục làm CEO tại Square - công ty về thanh toán di động do chính ông sáng lập.
Costolo gia nhập Twitter năm 2009 với vai trò Giám đốc điều hành (chief operating officer), trước khi lên làm CEO năm 2010. Trước khi đến với Twitter, Costolo là đồng sáng lập và cũng là CEO của FeedBurner, một công ty về Web được Google mua lại năm 2007. Trước đó nữa, ông đồng sáng lập 2 công ty khác: SpyOnIt (công ty chuyên theo dõi website) và Burning Door Network Media (công ty tư vấn thiết kế web).
Việc thay đổi lãnh đạo này khiến Twitter vốn đang khó khăn lại càng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các nhà đầu tư trước đó đã yêu cầu Costolo nhường ghế sau khi công ty không có được doanh số cũng như sức phát triển bền vững. Dẫu vậy, ông cũng được đánh giá rất cao, khi trong chưa đầy 5 năm làm CEO đã đưa Twitter từ công ty có giá trị chỉ 3 tỷ USD lên thành 23 tỷ USD. Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận là Twitter ngày càng yếu thế trong cuộc cạnh tranh với Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới với hàng tỷ người dùng. Thay đổi để cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng Twitter liệu có thành công hay không thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.