3G tăng giá khiến... lái xe thất nghiệp

Google News

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết giá 3G tăng đã vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, khiến lái xe có thể bị rút giấy phép.

 Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bản số 097/HHVT-TV kêu cứu gửi Bộ GTVT và các ngành chức năng nêu rõ: “Theo Nghị định 91, các doanh nghiệp vận tải đã lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) để báo cáo tình hình hoạt động phương tiện cho các sở giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ.
Mỗi TBGSHT đều phải sử dụng 1 SIM thuê bao di động để truyền phát dữ liệu về máy chủ. Song từ ngày 16/10/2013, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện việc điều chỉnh giá cước với cách tính cước tăng “nhảy vọt” gấp nhiều lần, dẫn đến hàng vạn TBGSHT ngừng hoạt động do không truyền phát dữ liệu về máy chủ được.
Hiệp hội phân tích: Trong khi các thiết bị truy cập mạng di động phổ biến hiện nay như smartphone, máy tính bảng, USB 3G... có phiên truyền tin lớn với lưu lượng từ vài chục KB đến hàng MB và sử dụng băng thông lớn (2.5G, 2.75G, 3G) thì hầu hết các TBGSHT có đặc điểm khác biệt là: Truyền tin ở tốc độ thấp với tần suất truyền định kỳ từ 5-60 giây/bản tin, mỗi bản tin dung lượng rất nhỏ cỡ ~ 64-256 byte với yêu cầu tốc độ truyền thấp thường chỉ vào khoảng dưới vài chục Kb/s.
Với đặc điểm truyền tin dung lượng thấp nêu trên, hầu hết các TBGSHT hiện nay đều sử dụng các gói cước Laptop40, Mi10, đặc biệt phổ biến gói Mi10 và Laptop Easy với mức cước hàng tháng từ 10.000đ/tháng đến 40.000đ/tháng. Song từ ngày 16/10/2013, Viettel đã điều chỉnh giá cước theo chiều hướng tăng quá cao.
Ảnh minh họa.
Cụ thể: Đối với thuê bao Dcom: 200đ/MB (trước 16.10.2013 là: 60đ/MB), tăng 333% cước phí. Đối với thuê bao di động (gói Mi): 25đ/50KB (trước 16.10.2013 là: 2,5đ/10KB) tăng 20 lần cước phí đồng thời điều chỉnh block tính cước: 50KB + 50KB thay cho 10KB+10KB. Chính việc điều chỉnh cách tính cước này đã gây ra sự gia tăng hơn hàng trăm lần lưu lượng truyền phát so với trước đây (vì mỗi lần truyền phát dữ liệu cho dù chỉ 0.1KB cũng bị làm tròn thành 50KB), làm cho các SIM thuê bao nhanh chóng hết tiền, dẫn đến TBGSHT ngừng hoạt động trên diện rộng.
Cũng theo hiệp hội: Tính đến ngày 21/10/2013, đã có hàng vạn TBGSHT mất tín hiệu bởi tài khoản thuê bao hết tiền, hàng ngàn doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ mất kiểm soát phương tiện và bị rút phép kinh doanh vận tải vì TBGSHT không truyền phát dữ liệu theo Nghị định 91, hàng vạn lái xe nguy cơ bị phạt, tước giấy phép lái xe 30 ngày và phạt 2,5 triệu đồng theo Nghị định 71.
Trước những vấn đề nêu trên, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Viettel áp dụng cách tính cước đúng theo lưu lượng truyền tin thực tế (không tính theo block) đối với các gói cước nói trên để các doanh nghiệp vận tải không bị trả “oan” cước tăng vọt làm đội chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của vận tải ôtô, kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Công an không xử phạt các xe bị ngừng TBGSHT vì hết tiền cước thuê bao.
Điều đáng lo ngại hơn cả là việc thay đổi cách tính cước đã vô hiệu hóa chủ trương giám sát tốc độ xe nhằm kiềm chế TNGT, vì vậy hiệp hội kiến nghị Viettel hãy hỗ trợ các DN vận tải vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay bằng việc giữ nguyên cách tính cước cho các TBGSHT.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra tăng giá cước 3G. Sau khi dư luận phản ánh 3 DN viễn thông di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G vào ngày 16/10/2013, có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương kiểm tra. Nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

 


Theo Lao động