Bên cạnh việc tìm ra 20/30 cái tên được triệu tập cho danh sách thi đấu chính thức tại ASIAD 2018, HLV Park Hang Seo đang đứng trước nhiệm vụ khó khăn khác: lựa chọn đội trưởng cho Olympic Việt Nam. Chiến lược gia người Hàn Quốc đang cùng lúc có trong tay hai cầu thủ có thể đảm nhiệm tốt vai trò này, đó là tiền vệ Lương Xuân Trường (HAGL) và tiền đạo Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội FC). Ai sẽ lĩnh "ấn tiên phong" Olympic Việt Nam tại giải đấu sắp tới?
|
Ai xứng đáng đeo băng đội trưởng Olympic Việt Nam? |
Khó lựa chọn, vì cả hai đều phù hợp
Các cấp độ tuyển từng chứng kiến nhiều trường hợp không tìm được thủ quân, bởi không cầu thủ nào đủ tầm vóc để lãnh đạo đội bóng. Tuy nhiên, Olympic Việt Nam lại cùng lúc sở hữu hai thủ lĩnh với kinh nghiệm cũng như bản lĩnh dạn dày. Một cơn đau đầu không hề dễ chịu cho HLV Park Hang Seo, bởi loại ai, chọn ai đều mang tới hệ lụy cho thầy Park, nhất là nếu ban huấn luyện hành xử không... khéo.
Thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á mang đậm dấu ấn của Xuân Trường trên cương vị đội trưởng. Trong cuốn sách "U23 Việt Nam - những chuyện chưa kể", trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa mang đến cái nhìn trực quan của người trong cuộc khi nhìn nhận Xuân Trường có đầy đủ bản lĩnh, đạo đức, tài năng để chịu trách nhiệm cao nhất.
Hình ảnh số 6 của U23 Việt Nam mang áo khoác để giữ ấm cho đồng đội trong loạt đá luân lưu ở bán kết trước U23 Qatar cho thấy, Xuân Trường đã thực sự chín chắn.
Không chỉ "tài đức vẹn toàn", tiền vệ người Tuyên Quang còn hiểu và truyền đạt lại rất nhanh cho các đồng đội những chỉ thị từ ban huấn luyện do từng có hai năm thi đấu tại Hàn Quốc. Xuân Trường là người thấu hiểu rõ nhất cung cách làm việc của HLV Park Hang Seo, đồng thời phản ứng rất nhanh trước những chỉ dấu từ đội ngũ huấn luyện, dù bằng tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc hay cả tiếng Anh.
|
Xuân Trường trưởng thành vượt bậc trong ba năm qua. |
Vốn ngoại ngữ cùng khả năng giao tiếp tốt giúp Xuân Trường ứng xử nhanh nhạy trước truyền thông và trả lời trôi chảy trước báo chí quốc tế cũng như trong nước. Với người đội trưởng, khả năng giao tiếp với HLV, đồng đội và truyền thông đóng vai trò tối quan trọng.
Đó là những câu chuyện ngoài chuyên môn, còn trên sân, Xuân Trường cũng xứng đáng trở thành chỗ dựa cho đội bóng khi thi đấu ở vị trí "bộ não" kiến thiết lối chơi. Thầy Park từng mô tả Xuân Trường là "cầu thủ chìa khóa" trong lối chơi của đội bóng. Các vị trí có thể cạnh tranh quyết liệt, song chỗ đứng của tiền vệ sinh năm 1995 là rất vững chắc.
Phong độ ấn tượng trong màu áo HAGL (đặc biệt trong giai đoạn đầu mùa) cũng là điểm cộng cho Trường "híp". Nhiều khả năng, Xuân Trường sẽ tiếp tục đóng vai trò cầm nhịp cũng như điều tiết cho Olympic Việt Nam, cũng như đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần.
Xuân Trường xứng đáng cho băng thủ quân U23 Việt Nam, song nên nhớ, Olympic Việt Nam được xây dựng với công thức "U23 +3". Sự xuất hiện của bốn cầu thủ trên 23 tuổi (sẽ loại xuống còn ba) đặt cho thầy Park một thử thách khác. Nội bộ đội bóng có sự xáo trộn khi các đàn anh như Hùng Hùng, Anh Đức, Văn Lâm và Văn Quyết xuất hiện. Khi ấy, liệu Xuân Trường có thể phủ tầm ảnh hưởng với tấm băng thủ quân lên các cầu thủ lớn tuổi hơn ở đội tuyển hay không, đó vẫn còn là một dấu hỏi.
|
Văn Quyết đang chơi ổn định ở V-League. |
Nhất là khi, Văn Quyết là đội trưởng của đội tuyển quốc gia - cấp độ cao hơn so với U23 cũng như Olympic Việt Nam, đồng thời nắm băng thủ quân ở Hà Nội - đội bóng đóng góp tới tám gương mặt cho đội Olympic. Xuân Trường là đội trưởng của U23 Việt Nam trong một giải đấu ngắn hạn, còn Văn Quyết lại là thủ quân của những Văn Hậu, Hùng Dũng, Quang Hải, Thành Chung,... trong nhiều năm qua ở V-League. Kinh nghiệm và đẳng cấp của Văn Quyết là không phải bàn cãi.
Tiền đạo của Hà Nội cũng "kinh qua" nhiều đời HLV ở đội tuyển quốc gia và hiểu rất rõ "văn hóa tuyển", điều cần thiết ở giải đấu mang tầm vóc lớn hơn U23 châu Á như ASIAD.
Điểm trừ của Văn Quyết là không thấu hiểu đồng đội ở Olympic (19/30 cầu thủ hiện tại từng góp mặt ở giải U23 châu Á) bằng Xuân Trường - người đã ăn, ngủ, tập và trải qua thăng trầm cùng U23 Việt Nam tại giải đấu lịch sử trên đất Thường Châu. Còn điểm cộng của Văn Quyết, tất nhiên, là cái uy của một đàn anh giàu kinh nghiệm và bản lĩnh.
Có trong tay cùng lúc hai cầu thủ đủ sức nắm băng thủ quân, HLV Park Hang Seo sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Phải nhấn mạnh, Olympic rất khác so với U23, nhất là khi đội bóng của thầy Park vào giải với sức ép thành tích nặng nề hơn.
HLV Park Hang Seo cần gì ở người đội trưởng?
Khả năng giao tiếp, vực dậy đội bóng, tài năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, mức độ hiểu biết chỉ dấu chiến thuật, vai trò trong lối chơi,... hay bất cứ tiêu chí nào khác đều cần được tính đến khi lựa chọn đội trưởng. Xuân Trường và Văn Quyết đều xứng đáng. Người được chọn không phải là người xứng đáng hơn, mà là người phù hợp hơn với tiêu chí mà ban huấn luyện đề ra.
Ở đó, Xuân Trường đang nhỉnh hơn so với Văn Quyết, nhưng vị trí đội trưởng vẫn còn rất "mở". Cả Xuân Trường và Văn Quyết đều cùng xuất hiện trong buổi lễ công bố nhà tài trợ giải Tứ hùng quốc tế 2018, cho thấy ban huấn luyện nhiều khả năng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
|
Xuân Trường và Văn Quyết xuất hiện trong buổi họp báo ra mắt nhà tài trợ. (Ảnh: Giang Nguyễn - Sport5) |
Nếu không lựa chọn được người nhỉnh hơn sau khi cân đo đong đếm mọi tiêu chí, HLV Park Hang Seo có thể lựa chọn để Xuân Trường và Văn Quyết thay nhau đeo băng đội trưởng. HLV Hữu Thắng từng có thời gian luân phiên đổi tấm băng thủ quân cho U22 Việt Nam. Nhìn rộng ra, HLV Tite của Brazil để... 10 cầu thủ Brazil thay nhau đeo băng đội trưởng trong mỗi trận đấu.
Ở các giải đấu ngắn hạn, đôi khi đổi băng đội trưởng cũng là lựa chọn hay, để các cầu thủ tập thích nghi với áp lực và thay nhau thể hiện vai trò, trách nhiệm. Từ đó, ban huấn luyện sẽ có được lựa chọn tối ưu. Dẫu sao thì, đội trưởng không nhất thiết phải đóng vai trò người truyền lửa. Trong bối cảnh bóng đá ngày càng đề cao tính tập thể, bất cứ ai cũng có thể đứng lên xốc vác tinh thần toàn đội, chỉ cần đủ uy tín và bản lĩnh để "nói sao người ta còn nghe".
Hình ảnh Romelu Lukaku tập hợp tuyển Bỉ để dặn dò, chỉ cho Kevin de Bruyne và Eden Hazard xem phải đá ở đâu cho đúng, hay Paul Pogba đứng giữa toàn đội Pháp để hô hào nhuệ khí cho thấy: không nhất thiết cứ phải là đội trưởng, tiếng nói trong đội mới có sức nặng. Cả Pogba và Lukaku đều không phải là thủ quân, và cũng không cần là thủ quân để thể hiện tầm ảnh hưởng trong lời nói và lối chơi.
Cứ đặt áp lực nặng nề quá lên tấm băng thủ quân, đôi khi lại thành dở. Các cầu thủ phải hiểu được điều đó, để không tồn tại khúc mắc hay đố kỵ nào có khả năng ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết của toàn đội.
Theo VTC news