Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày là thời điểm du lịch lý tưởng của các đôi tình nhân. Nhiều cặp đã hoàn tất các quá trình chuẩn bị, bao gồm đặt vé máy bay, phòng khách sạn và lên lịch trình cho chuyến đi.
Tuy nhiên, hiện tượng chia tay sau khi đi du lịch chung khiến một số lo lắng. Theo một cuộc khảo sát được nền tảng Dating.com thực hiện vào năm 2022, gần 50% cặp tình nhân chia tay sau khi thực hiện chuyến đi đầu tiên.
Alex Kudos, Giám đốc Tiếp thị của Dating Group, chỉ ra một số nguyên nhân của sự tan vỡ. Trong khi đó, Maria Sullivan, Phó Chủ tịch của nền tảng này, cung cấp lời khuyên cho các đôi chuẩn bị đi du lịch cùng nhau.
Nguyên nhân chia tay khi đi du lịch
Theo Alex Kudos, các nguyên nhân phổ biến được những người tham gia khảo sát cho biết bao gồm nhận biết thói quen xấu, tính cách không phù hợp của đối phương hay vấn đề đúng giờ.
Thói quen xấu của nửa kia là một trong những nguyên nhân chia tay hàng đầu sau các chuyến du lịch. 47% người được hỏi cho biết quyết định kết thúc mối quan hệ khi không thể chịu được việc đối phương vứt quần áo bẩn lung tung trong phòng, chưa tháo giày khi nằm lên giường hoặc thức quá muộn.
Nỗi ám ảnh kỳ lạ của một số người cũng là lý do dẫn đến sự tan vỡ. Khi đồng hành cùng nhau trong một chuyến đi dài, nhiều người sẽ nhận thấy sự ám ảnh cưỡng chế của đối phương như không nhường chỗ trên máy bay, khăng khăng chọn một phía nằm trên giường hay khó chịu với cách nửa kia sắp xếp vali.
Đúng giờ hay tuân thủ lịch trình cũng là cái cớ dẫn đến sự tan vỡ của nhiều đôi. Việc lên lịch trình chi tiết với các điểm tham quan và mốc thời gian cụ thể giúp du khách tối ưu hóa trải nghiệm ở điểm đến. Tuy nhiên, một kế hoạch dày đặc cũng có khả năng gia tăng sự căng thẳng của đôi bên.
31% người tham gia khảo sát quyết định chia tay khi phải liên tục thức dậy sớm để thực hiện lịch trình tham quan theo ý đối phương. Những chuyến bay bị lỡ do trễ giờ cũng tạo ra khoảng cách giữa cả 2.
Việc dùng chung phòng tắm cũng tiết lộ khuyết điểm của một số cá nhân, tạo ra sự khó chịu ngầm giữa 2 người trong suốt chuyến đi. Sàn phòng tắm vương vãi nước hay bàn chải bị vứt lung tung trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người sau chuyến du lịch đầu tiên với nửa kia.
Bộc lộ những nét tính cách xấu là điều không thể tránh khỏi trong các chuyến du lịch. Những tình huống phát sinh như chuyến bay bị hoãn, rào cản ngôn ngữ, ngộ độc thực phẩm, say sóng hay thất lạc hành lý có thể khiến bất cứ ai nổi nóng, mất kiểm soát.
31% đáp viên cho biết khi chứng kiến nửa kia cáu giận với tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch hay phục vụ bàn, họ lập tức nung nấu ý định chia tay.
Sự khác biệt giữa cả 2 cũng là lý do dẫn đến sự kết thúc của một mối quan hệ. 44% người được hỏi nhận thấy sự khác biệt giữa đôi bên, từ đó quyết định chia tay.
Lời khuyên
Theo Maria Sullivan, Phó Chủ tịch Dating.com, chuyến đi đầu tiên thường thể hiện một bước tiến trong mối quan hệ. Đây cũng được xem là khoảng thời gian chất lượng mà cả 2 dành cho nhau.
Tuy nhiên, để vượt qua “bài kiểm tra” này, các đôi cần tuân thủ một số nguyên tắc, tránh tạo ra xung đột, cãi vã trong quá trình du lịch.
Đừng tự lên kế hoạch đi chơi, luôn hỏi ý kiến nửa kia khi xây dựng lịch trình là lời khuyên đầu tiên của Maria Sullivan. Việc này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với đối phương cũng như khoảng thời gian chung của 2 người.
Bạn có thể tận hưởng không gian riêng tư trong chuyến đi, song cần thông báo cho nửa kia, tránh tạo cảm giác cô lập cho người yêu.
Một chuyến du lịch lý tưởng cần nằm trong khả năng chi trả của cả 2. Chuyến du lịch có thể trở nên bớt lãng mạn nếu một trong 2 phải vay mượn để chi trả tiền vé máy bay, phòng khách sạn hay ăn uống.
Lời khuyên được đưa ra là thẳng thắn trao đổi về khả năng chi tiêu, ngân sách dành cho chuyến đi với đối phương.
Đặt vé máy bay, phòng khách sạn hoặc gói dịch vụ dưới tên mình nếu bạn là người chi trả. Khảo sát của Dating.com chỉ ra rằng 25% đáp viên chia tay trước thềm chuyến đi chơi. Vì vậy, khi kết thúc mối quan hệ, bạn hoàn toàn có thể thực hiện chuyến du lịch một mình, chữa lành sau một chuyện tình tan vỡ.
Theo Linh Vũ/Znew