Tháng 10/2017, HLV Park Hang-seo trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam với bản hợp đồng thời hạn 2 năm. Theo điều khoản, 3 tháng trước khi hợp đồng cũ đáo hạn, các bên sẽ ngồi lại với nhau để đàm phán gia hạn. Nghĩa là khoảng thời gian này sẽ rơi vào tháng 10 hoặc 11/2019. Tuy nhiên, đây là thời điểm ĐTQG đang thi đấu vòng loại World Cup 2022 còn U23 Việt Nam đang chạy nước rút cho SEA Games 30, đàm phán hợp đồng sẽ phá vỡ sự tập trung của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Mặt khác, trong bối cảnh hàng loạt các CLB nước ngoài đang "nhòm ngó" thầy Park. Cụ thể, hiện có 3 nơi đã đặt vấn đề với thầy Park, gồm một CLB giàu có của Thái Lan, một số đội bóng của Hàn Quốc và 1 CLB của Trung Quốc.
Trong đó, ông chủ của đội bóng Thái Lan kể trên sẵn sàng trả nhà cầm quân 60 tuổi mức lương 100.000 USD/tháng, tức gấp 5 lần những gì ông đang nhận, còn mức lương CLB Trung Quốc đề nghị là 150.000 USD/tháng. Riêng các đội bóng Hàn Quốc thì mức đề nghị cũng không dưới 50.000 USD/tháng, tức ngang bằng mức mà VFF chuẩn bị đề nghị thầy Park.
Do vậy, NHM bóng đá Việt Nam đặt ra câu hỏi liệu bao giờ (LĐBĐ Việt Nam) VFF mới có thể gia hạn hợp đồng tiếp với "bố già" của bóng đá Việt?
Nhiều ý kiến (cả từ các chuyên gia và người hâm mộ) đã cho rằng VFF chậm trễ trong chuyện này. Tuy nhiên, đánh giá đúng chuyên môn, việc đàm phán hợp đồng không chỉ là chuyện riêng của VFF, cũng không phải là chuyện tay đôi giữa VFF và HLV Park Hang-seo.
Để tiến tới đàm phán gia hạn hợp đồng phải cần có sự tham gia của 3 bên là VFF, HLV Park Hang-seo và công ty đại diện của ông. Trong đó, công ty đại diện đóng vai trò rất quan trọng. Chia sẻ với báo giới tại một sự kiện ở TP.HCM hôm 15/6, HLV Park Hang-seo xác nhận: “Hợp đồng là một vấn đề phức tạp. Tôi đã ủy quyền cho người đại diện và anh ấy sẽ tìm kiếm những thoả thuận chung cùng VFF”.
HLV trưởng ĐTQG Việt Nam là người làm chuyên môn thuần túy nhưng công ty đại diện của ông là những nhà kinh doanh. Ông Park là cái tên sáng giá bậc nhất của họ. VFF muốn gia hạn hợp đồng với thầy Park nhưng họ không thể một mình quyết định chuyện này. Thỏa thuận sẽ chỉ đạt được nếu công ty đại diện tin rằng Việt Nam vẫn là lựa chọn số một của họ, vẫn là nơi mang tới nhiều quyền lợi nhất.
Sẽ ra sao nếu công ty đại diện đưa ra một lời đề nghị quá cao? Sẽ ra sao nếu đó là một mức lương mà VFF không thể đồng ý?
Mặt khác, VFF cần thời gian để định hình, tổ chức lại hoạt động, các lãnh đạo mới cần thời gian để tiếp quản công việc từ người cũ sau sau Đại hội VIII diễn ra hôm 8/12/2018. Trong khi đó, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức không còn là phó chủ tịch tài chính, điều này ảnh hưởng lớn đến việc trả lương trực tiếp cho HLV Park Hang-seo.
Tóm lại, quá trình đàm phán gia hạn của VFF với HLV Park Hang-seo và công ty đại diện là một công việc phức tạp, lâu dài. Thành bại của việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chiến lược của đội tuyển quốc gia trong vài năm tới.
Những gì ông Park mang tới cho bóng đá Việt Nam 2 năm qua là vô cùng to lớn và phải ghi nhận. Song nói đi cũng phải nói lại, bóng đá Việt Nam cũng mang tới cho ông Park rất nhiều giá trị. Và những giá trị ấy bây giờ còn cao hơn cả khoản lương ông nhận mỗi tháng.
Được biết, 2 năm qua, mỗi tháng HAGL đều gửi gần 800 triệu đồng cho VFF để chi trả toàn bộ phần lương cũng như thuế thu nhập cá nhân của HLV Park Hang Seo. Tiết lộ với báo giới, một lãnh đạo của HAGL cho biết, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trả tổng cộng 19,2 tỷ đồng tiền lương cho 2 năm của HLV Park Hang Seo mà không đòi hỏi quyền lợi gì khi tham gia tài trợ cho bóng đá Việt Nam.
Ngọc Anh (Tổng hợp)