Rú Chá được mệnh danh là 'Nàng tiên xứ Huế'.
Những ngày đầu chớm thu, chúng tôi tìm về Rú Chá – khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm và duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế).
Hiện ra trước mắt là bạt ngàn mênh mông một màu xanh của cây chá, cảm nhận đầu tiên là sự hoang sơ, thơ mộng; vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của cánh rừng; cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp đầy hấp dẫn và quyến rũ bởi rừng cây, khóm lá ở đây đan bện vào nhau, xanh mát, dày sừng sững giữa đất trời.
Rú Chá nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km, thuộc làng Thuận Hòa (xã Hương Phong, thành phố Huế) – là điểm đến trải nghiệm vô cùng thú vị của nhiều du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa Thu – mùa chá trổ hoa, du khách sẽ được đắm mình trong cảm giác sảng khoái, tươi mát và thư giãn nhất.
Theo ngôn ngữ địa phương Huế, “rú” nghĩa là rừng núi, “chá” là tên một loài cây mọc chiếm đến 90% diện tích nơi đây.
Quan sát vẻ đẹp ma mị của Rú Chá từ trên cao.
Rú Chá – vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ, là “Nàng tiên” của xứ Huế, “Thảm lụa mềm”, “Sắc vàng ươm” mà tạo hóa, đất trời đã ưu ái ban tặng cho vùng đất kinh đô xưa.
Rú Chá đã làm thổn thức, xao xuyến bao trái tim của những con người yêu thiên nhiên, thích sống hòa hợp với thiên nhiên khi được hữu duyên đến nơi này.
Đặc biệt, nơi đây còn có đôi vợ chồng già suốt 37 năm qua đã âm thầm giữ rừng Rú Chá, họ sống thật giản đơn, âm thầm, bình dị, lặng lẽ như đang hòa mình vào khung cảnh của thiên nhiên tươi đẹp… Tất cả để cho rừng chá được “hồi sinh” và trường tồn mãi với thời gian năm tháng.
Đôi vợ chồng già, suốt 37 năm giữ rừng Rú Chá.
Đến Rú Chá, du khách cảm nhận không gian yên tĩnh, tươi mát, thơ mộng.
Du khách nước ngoài trải nghiệm Rú Chá.
Đó là ông Nguyễn Ngọc Đáp (sinh năm 1944) và bà Trần Thị Hồng (1946). Cụ Đáp tâm sự: “Vì quá yêu thiên nhiên, thích sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên nên vợ chồng tui quyết định ra đây ở để bảo vệ, giữ gìn Rú Chá đến trọn đời, mong muốn cháy bỏng nhất của tôi là rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá – một di sản thiên nhiên vô giá của cha ông sẽ trường tồn với con cháu muôn đời sau.
Theo Giaoducthoidai