Tôi đi mua bánh mỳ, đúng giờ tan tầm nên rất đông người. Sọt bánh mới nướng được mang ra, nóng hổi, thơm lừng. Đang hý hửng tìm được cái gắp để lấy bánh, tôi đã bị chen bật cả ra. Đành đứng vòng ngoài nhìn người ta chọn bánh xong mới mong đến lượt mình. Mà rõ khổ, bánh mới ra lò ngon như thế, nóng như thế mà người ta vẫn phải chọn, lại không dùng kẹp, cứ tay không mà nhặt, nhặt lên lại vứt xuống, rồi bới, rồi tìm, sốt cả ruột. Mãi thì cũng đến lượt.
|
Ảnh minh họa. |
Vừa mừng vì lấy được túi bánh, quay ra lại thấy một hàng dài chờ xếp hàng thanh toán. Cái việc xếp hàng này cũng là bình thường thôi, nhưng bực cái là có 2 cô nhân viên thanh toán, thành ra người ta xếp hàng cả hai phía quầy. Đã thế có người lại cố tình không nhìn thấy người khác xếp hàng, thản nhiên chen vào giữa để tiện bên nào thì trả tiền bên đấy. Bị chen ngang mấy lần kiểu đấy tôi đã điên tiết lắm rồi.
Đến lượt, cô nhân viên lại quay sang định thanh toán cho một người phía bên kia, tôi bực mình định ra trả chỗ bánh đó không thèm mua nữa. Nhưng phía bên kia lại là một người đàn ông nước ngoài, ông ta ra hiệu cho cô bán hàng là đến lượt tôi. Tôi vẫn hậm hực nên cũng quên quay lại cảm ơn người đàn ông ngoại quốc kia.
Bây giờ mỗi lần phải xếp hàng là tôi lại thấy phát khiếp lên. Chen ngang trắng trợn, xô đẩy, trèo lên đầu lên cổ người khác mà chen vào... thật là đáng xấu hổ.
Nào có phải dân mình không biết xếp hàng đâu. Thời bao cấp tôi cũng đã phải đi xếp hàng chán ra rồi. Hết xếp hàng mua gạo, thịt, mắm muối, đến cả mớ rau muống già cũng phải xếp hàng. Xếp hàng nhiều đến nỗi tôi thường phải mang sách theo để học. Mà việc xếp hàng ngày đó đơn giản lắm. Một hòn gạch, một mảnh rổ rách để vào đó để đánh dấu là chỗ của mình, rồi đi đâu đó, lúc cô bán hàng mở cửa thì quay lại nhận chỗ. Hoặc mọi người ngồi chờ lâu lại quay ra rủ rỉ trò chuyện, tâm sự đủ thứ. Thành ra có cả hội những người quen nhau ở chỗ xếp hàng. Nó cũng là một nét văn hoá, văn hoá xếp hàng. Chả hiểu vì sao giờ cái văn hoá đấy cũng mất nốt rồi.
Minh Anh