"Hành trình dự World Cup không phải gần đây mới có", HLV Mai Đức Chung chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến. Để có được tấm vé tham dự đấu trường danh giá nhất thế giới, bóng đá nữ Việt Nam lên kế hoạch chuẩn bị trước 5 năm.
Cơ hội trăm năm có một
Năm 2016, đội tuyển Việt Nam thất bại ở chung kết AFF Cup trước Thái Lan. HLV Mai Đức Chung buồn bực đến mức muốn nghỉ hẳn bóng đá. Nhà cầm quân kỳ cựu này nghỉ ngơi ở nhà hơn nửa năm, cho đến khi nhận được lời mời từ Phó Chủ tịch (hiện là Quyền Chủ tịch) Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn.
Ông Trần Quốc Tuấn mời HLV Mai Đức Chung trở lại để thực hiện giấc mơ World Cup.
"Anh Trần Quốc Tuấn mời tôi về làm bóng đá nữ. FIFA mở rộng số đội tham dự World Cup, đội tuyển Việt Nam có cơ hội. Không phải lần này thì không còn cơ hội khác", HLV Mai Đức Chung chia sẻ. Ông lúc đó cũng nhớ nghề và có ý định tái xuất ở một CLB bóng đá nam, nhưng lời đề nghị của ông Trần Quốc Tuấn đã đưa nhà cầm quân kỳ cựu này quay về đội tuyển nữ.
"Con đường đến World Cup chúng tôi chuẩn bị từ năm 2017. Đầu tiên là mời HLV Mai Đức Chung. Tiếp theo là hoạch định hệ thống thi đấu trong nước. Phải có sự thay đổi, bằng cách thêm giải cúp, giải U16, U19 và chương trình đào tạo dài hơi ở VFF", Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn kể lại.
"Bên cạnh đó là sự mở rộng quan hệ quốc tế. Ví dụ, khi thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn là AFF Cup hay SEA Games, hằng năm đội tuyển đều tập huấn ở Nhật Bản theo chương trình hợp tác. Chúng tôi tiếp tục hiện thực hóa thành các chi tiết để hỗ trợ bóng đá nữ Việt Nam đến World Cup".
Khi FIFA mở rộng quy mô World Cup bóng đá nữ, châu Á có 5 suất tham dự. Khi Australia được trao quyền chủ nhà và đội tuyển nữ Triều Tiên không tham gia các giải quốc tế, cơ hội cho đội tuyển Việt Nam tăng lên. Tầm nhìn của lãnh đạo VFF, trong đó Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn có đóng góp quan trọng, được hiện thực hóa thành một kế hoạch dài hơi. Bóng đá nữ Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội.
"Năm 1997 tôi làm bóng đá nữ lần đầu tiên. Giành huy chương đồng SEA Games là một thành tích không tồi. Ngay lần đầu tham dự như vậy là hết sức cố gắng, vì chúng ta cơ sở vật chất rất thiếu thốn, tất cả trang thiết bị đều thiếu. Chúng tôi được phát cái áo giặt hôm trước hôm sau phơi nó co lên thành ngắn. Báo chí nói vui là đội nữ thi đấu chỉ có áo chứ không có quần", HLV Mai Đức Chung nhắc lại chuyện xưa để so sánh với nỗ lực tạo điều kiện của VFF cho đội tuyển nữ thực hiện giấc mơ World Cup.
"Bây giờ mọi thứ khác hoàn toàn. Từ năm 2017 đến nay cơ sở vật chất tốt lên nhiều. VFF mở 2 lớp đào tạo trẻ lứa U14, U16, đến nay sản sinh ra nhiều cầu thủ lên đội tuyển, như Thanh Nhã, Thu Thương, Tuyết Ngân. Đó là thành quả rất đáng khen ngợi".
HLV Mai Đức Chung đưa ĐT nữ Việt Nam đến World Cup.
Thách thức mới từ sân chơi World Cup
"Đội tuyển nữ Việt Nam phải nhanh chóng trở lại mặt đất", HLV Mai Đức Chung nói với Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn như vậy, dù ông và các học trò chỉ vừa mới trở về nước cách đây 2 ngày.
World Cup là đấu trường khắc nghiệt mà bóng đá nữ Việt Nam chưa bao giờ chạm đến. Đội tuyển Việt Nam đứng hạng 6 châu Á, nhưng khoảng cách trình độ với các đội phía trên vẫn rất xa. Ở World Cup, sự chênh lệch ấy càng lớn hơn. Để đá được ở World Cup chứ không phải đến tham quan rồi về, đội tuyển Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt hơn cả hành trình 5 năm trước.
"Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đây mới là bước khởi đầu", ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ. "Đây là điểm mốc rất hạnh phúc nhưng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức. Trong thời gian tới, bóng đá Việt Nam phải làm sao duy trì ổn định và có một môi trường bóng đá nữ phát triển".
VFF sẽ chuẩn bị cho đội tuyển nữ Việt Nam bằng những kế hoạch ngắn hạn hướng đến dài hạn. Trong năm 2022, thầy trò HLV Mai Đức Chung có 3 giải đấu quốc tế liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 9 là SEA Games, AFF Cup và ASIAD. Chuẩn bị cho những giải đấu này cũng chính là chuẩn bị cho World Cup 2023. VFF cũng tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nền bóng đá phát triển ở Nhật Bản và châu Âu để tạo điều kiện cho đội tuyển tập huấn nước ngoài.
Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
"Ngoài ra, khi tham gia sân chơi lớn nhát thế giới thì thể lực là một trong những trở ngại của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, ta cần những HLV thể lực. Việc duy trì các chuyên gia nước ngoài là điều rất cần thiết", ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu, có giải pháp về chuyên gia để các vấn đề về chấn thương, hồi phục được xử lý hết sức chuyên nghiệp và khoa học. Có như vậy đội tuyển Việt Nam mới có sự chuẩn bị kỹ cho lần đầu tiên bước ra sân chơi thế giới. Hi vọng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để tiệm cận trình độ các nước".
Nhưng World Cup 2023 cũng không phải điểm kết thúc của hành trình nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam. Cả nền bóng đá, không chỉ riêng đội tuyển quốc gia, cần sự phát triển bền vững.
"Chúng tôi còn trăn trở nhiều lắm, không chỉ một việc đơn thuần", HLV Mai Đức Chung tâm sự.
"Tôi chỉ mong muốn làm sao lực lượng của bóng đá nữ Việt Nam thêm đông đảo. Hiện nay chúng ta chỉ có 6 đội nữ trong nước thi đấu thôi. Nói thật, bây giờ bảo chỉ ra ai ở các đội tôi nắm vững cả, như trên bàn tay mình rồi.
Mong lãnh đạo các địa phương sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi và phối hợp xã hội hóa. Thành tích đội nữ lần này hi vọng sẽ là bước đệm, là cú hích cho các địa phương, các cầu thủ tham gia đông hơn để chúng tôi nhiều lựa chọn hơn".
Theo Minh Ngọc/VTC