Xin lỗi nhưng đã thật sự biết lỗi?
Mới đây, khi nhận được nhiều lời đề nghị làm rõ, chứng minh trách nhiệm của tác giả trước chính lỗi sai của mình với bạn đọc, Tun Phạm đã lên tiếng giải thích về sự việc.
Anh cho biết trong buổi biểu diễn tại Đại học Luật Tp.HCM hồi tháng 10/2023, có nhận được một túi nhỏ gồm 30 lá thư tay của bạn fan. Trong quá trình đọc và chia sẻ những lá thư này đến với mọi người, anh đã nảy ra ý tưởng sẽ dùng một số lời nhắn này để đưa vào sách Vì cậu là bạn nhỏ của tớ.
Tun Phạm tiếp tục giải thích: "Và đương nhiên đưa thư vào sách cũng không phải là chuyện dễ dàng. Các chị sẽ phải đọc kỹ, chọn lọc, check (kiểm tra) chéo và tra trên google xem có đúng thư tay là của bạn hay không. Cuối cùng sau quá trình bên phát hành sách kiểm tra, lá thư đã được xuất hiện ở mục cuối cuốn sách nằm trong phần cảm ơn thư của độc giả".
Đến ngày 19/1 vừa qua, anh và nhà xuất bản nhận được thông tin có những lá thư thuộc về bạn Lam, một nhà thơ trẻ nên đã liên hệ và đưa ra hướng giải quyết.
Lời xin lỗi của Tun Phạm trước bạn đọc không thể hoàn toàn xoa dịu những khó chịu, phẫn nộ từ những người yêu sách, tôn trọng tác quyền. Đối với họ, mỗi câu chữ được viết ra phải cẩn thận và trau chuốt kỹ lưỡng, hơn nữa không thể kiếm tiền trên chính con chữ của người khác.
Cách anh giải thích cũng khiến người đọc không mấy thuyết phục. Nhà xuất bản Glow Books trước đó đã ra thông cáo xin lỗi, cho rằng việc vi phạm tác quyền này là "rất không may". Về phía Tun Phạm, anh tiếp tục cho rằng những điều anh đang làm nảy sinh từ việc anh yêu mến những lá thư tay của người hâm mộ.
Một điều trái ngoe rằng, trong chính những lá thư anh đăng tải trên mạng xã hội để giải thích, fan của anh còn biết dùng dấu ngoặc kép để trích dẫn thơ của người khác, còn tác giả chính thì lại thấy hay nên đưa vào sách.
Điều này cho thấy sự cẩu thả, yếu kém trong việc sử dụng con chữ của tác giả Tun Phạm và cả nhà xuất bản Glow Books.
Xin lỗi và bồi thường chi phí tác quyền
Tun Phạm cho biết thêm, anh và nhà sản xuất Vì cậu là bạn nhỏ của tớ đã liên hệ với tác giả Lam để đưa ra hướng giải quyết. Phía Lam cũng đã chấp nhận nhận chi phí tác quyền.
Tuy nhiên, khán giả cho rằng ở trường hợp của Lam, nhận chi phí tác quyền theo cách này cũng chẳng mấy vui vẻ khi câu chữ, chất xám bị sử dụng khi chưa có sự đồng ý, mãi sau đó mới tìm đến để bàn bạc.
Cộng đồng yêu sách cũng có nhiều hoài nghi, liệu rằng Lam là một tác giả có sức ảnh hưởng nên cô nhận được lời xin lỗi, chi phí tác quyền sau những ồn ào này, thế nhưng không ít những tác giả ít tên tuổi hơn, sẽ được ai bảo vệ?
Việc làm của Tun Phạm không thể chỉ kết thúc bằng lời xin lỗi, tiền chi trả phí tác quyền mà hơn hết là tự đánh giá, suy ngẫm về năng lực của bản thân. Liệu anh có thật sự nên tiếp tục viết sách, kiếm tiền từ con chữ khi chưa thật sự tôn trọng công sức của những người "đồng nghiệp" khác.
Tun Phạm không thể lấy sự nổi tiếng trên nền tảng TikTok, sự tin tưởng yêu thương của công chúng để tiếp tục cho ra mắt, giới thiệu ra những cuốn sách thiếu tôn trọng bản thân và độc giả như thế nữa trong tương lai. Phải chăng anh cần phải trau dồi mình nhiều hơn nữa, thực hiện lời hứa "mình sẽ tiếp tục lớn hơn" theo cả nghĩa đen và bóng chứ không phải lời nói sáo rỗng.
Theo Người Đưa Tin