Hiện nay, thay vì “thả” con trượt trên lòng lề đường thiếu an toàn hay các sân ngoài trời không đảm bảo chất lượng, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con em mình tới sân trượt trong nhà để thỏa nỗi đam mê trượt patin, môn thể thao không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn có tính giải trí, nghệ thuật cao.
|
Một sân trượt patin trong nhà thu hút nhiều bạn trẻ trong dịp hè 2017. Ảnh: M.P.H. |
70 tuổi “vẫn chạy tốt”
Trước kia, vào những buổi chiều đẹp trời, nhất là cuối tuần, tại các sân chơi như vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Lê-Nin, hay các công viên Yên Hòa, công viên Nghĩa Đô, Hòa Bình, Bách Thảo, công viên Thống Nhất..., hàng trăm bạn trẻ mê trượt patin tụ họp và trổ tài. Thế nhưng, hiện tại, số lượng này có phần giảm sút bởi sự “trỗi dậy” của sân trượt patin trong nhà, nhất là trong các trung tâm thương mại. Ưu điểm của sân tập trong nhà là bạn có thể chơi bất kỳ lúc nào, bất chấp thời tiết nắng mưa, có đồ bảo hộ, người hướng dẫn. Ngoài ra, các em có thể làm quen và giao lưu với với nhau, tăng độ nhanh nhạy trong giao tiếp…
Dạo quanh các sân tập patin ở các trung tâm thương mại tại Hà Nội, những màn trình diễn nghiêng người vượt chướng ngại vật, lên xuống bậc thang, trượt dốc, trượt lùi, trượt dọc bánh xe, trượt nối đuôi…kết hợp với các động tác khéo léo, đẩy chân và luồn lách, được các em xử lý rất kỹ thuật và điệu nghệ, đã thu hút khá đông người xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Hoa Lê, chủ CLB Max Patin tại Melinh Plaza (Metro), Hà Đông cho biết, mỗi ngày, CLB đón trên dưới 100 lượt khách. “Thậm chí cuối tuần thu hút 200-300 người tham gia. Chơi patin giúp các cháu nhanh nhẹn và tinh thần lạc quan hơn, thay vì chỉ vùi đầu vào máy tính, ngồi một chỗ chơi game suốt ngày”-chị Lê nói.
Nhiều người mặc định trượt patin là dành cho các bạn trẻ bởi có hơi hướng mạo hiểm, song cũng có những trường hợp ngoại lệ. CLB patin Star World ở Bắc Ninh từng chứng kiến một cụ bà ở độ tuổi 70 vẫn trượt patin dẻo dai và điệu nghệ. Cụ bà Nguyễn Thị Thư đã khiến đám “con cháu” phải phát sốt khi đoạn clip cảnh cụ lướt patin đầy điệu nghệ được tung lên mạng.
An toàn ngày hè
Khẽ chỉnh lại giày trượt, em Phạm Ngọc Khánh (12 tuổi), một thành viên của CLB Max Patin Hà Đông nói mới học trượt patin cách đây hơn 2 tháng. Tuy là nữ, nhưng chỉ sau vài buổi học em đã làm chủ được giầy trượt. Mẹ Khánh, chị Nguyễn Thu Hương nói: “Vào kỳ nghỉ hè, thực sự là không biết đưa các cháu đi đâu chơi. Cuối tuần, tôi chỉ biết đưa các cháu đi mua sách, ăn uống hay dạo lòng vòng hồ Gươm, dần dà rồi cũng chán. Thấy con thích trượt patin, ban đầu tôi cũng ái ngại vì sợ cháu bị ngã rồi chấn thương. Tuy nhiên, tập trượt patin trong nhà, có trang bị đồ bảo hộ...cùng hướng dẫn viên tận tình và chu đáo, mọi lo lắng của tôi bị “đánh bay”. Tôi thấy đây là môn thể thao lành mạnh và bổ ích, giúp các cháu khỏe mạnh, linh hoạt và tự tin hơn”.
Trước kia, chỉ cần một khoảng đất rộng, láng một lớp xi măng lên bề mặt, mua một ít lưới về rào chung quanh, sắm từ 30 đến 50 đôi giày trượt, tậu một giàn loa có cường độ âm thanh cao… xem như có một sân trượt patin. Với những sân như thế này, ưu điểm là tốn ít tiền, nhưng chỉ cần ngã nhẹ, người chơi rất dễ gặp chấn thương.
Chị Hoa Lê cho biết, hiện tại mở một sân patin phải theo quy định của nhà nước, phải đảm bảo độ an toàn cao như sân tập patin có diện tích từ 300 m2 trở lên; bề mặt sân đối với khu vực bằng phẳng phải nhẵn, không trơn trượt; đối với khu vực có dốc trượt và mô hình chướng ngại vật phải được xử lý đúng kỹ thuật thiết kế, các góc cạnh phải an toàn không gây nguy hiểm cho người chơi, độ dốc của dốc trượt không quá 30°… Với những quy định bảo đảm an toàn như vậy, các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn khi cho các con thỏa niềm đam mê uốn lượn trên 8 bánh xe.
Để mở một sân patin trong nhà cần đầu tư trên dưới 2 tỷ, gấp 4-5 lần so với số tiền bỏ ra cho sân ngoài trời. Với giá vé 40.000- 50.000 đồng/lượt, các bạn trẻ có thể chơi thoải mái không giới hạn thời gian, có hướng dẫn viên và đảm bảo tính an toàn.
Theo Trọng Đạt/Tiền phong