Trekking là hoạt động đi bộ đường dài trong nhiều ngày. Trong hành trình đó, người trekking (còn gọi là trekker) sẽ băng qua những cung đường với đủ loại địa hiểm trở núi đồi đến rừng rậm, tương tác nhiều với thế giới tự nhiên hoang dã. Vài năm trở lại đây, hình thức du lịch đòi hỏi thể lực tốt, tinh thần chinh phục dần trở thành xu hướng được du khách Việt và quốc tế yêu thích.
Xu hướng trekking được giới trẻ lựa chọn
Dễ hiểu vì sao loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trekking đang ngày càng có sức thu hút với khách du lịch. Trong đó, phải kể đến xu hướng du lịch có sự thay đổi lớn do Covid-19. Sau đại dịch, các loại hình du lịch trở về với thiên nhiên, tăng cường hoạt động ngoài trời, hướng tới việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng được du khách chú trọng.
Đức Huy (TP Thủ Đức, TP.HCM) là một trong số đó. Tính từ đầu năm 2022, nam du khách đã chinh phục rất nhiều cung đường trekking từ Nam ra Bắc như núi Chứa Chan (Đồng Nai), Bà Đen (Tây Ninh), Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận), thác K50 (Gia Lai), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), núi Lảo Thẩn (Lào Cai)…
Theo Huy, trekking là lựa chọn hợp lý vì sau đại dịch, nhiều người quan tâm đến sức khỏe hơn, họ cũng ngại đến những điểm du lịch quá đông đúc.
|
Trekking là hoạt động được giới trẻ yêu thích hậu đại dịch. Ảnh: Kenly Trương.
|
Nam du khách cũng cho rằng cảm giác hạnh phúc khi vượt qua chính mình để chinh phục cung đường khó, chạm đến điểm cao nhất của ngọn núi hiểm trở là lý do nhiều bạn trẻ tìm đến hình thức du lịch mạo hiểm này
“Mỗi chuyến trekking thường kéo dài 2-3 ngày liên tục. Chúng tôi phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đổi lại khung cảnh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Sau mỗi chuyến đi, tôi có thêm kỹ năng sinh tồn và những bài học quý giá”, anh nói.
Tương tự Đức Huy, Minh Hảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đam mê hình thức đi bộ đường dài và có kinh nghiệm chinh phục nhiều cung đường tại Việt Nam. Nam du khách gợi ý một số cung đường có thể tham khảo như hang Én, Tú Làn, hố sụt Kong (Quảng Bình), Tà Năng - Phan Dũng, vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), Nhìu Cồ San (Lào Cai).
Tác động tích cực đến tinh thần, thể chất
Không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu du lịch khám phá, những người đam mê đi bộ đường dài cũng đồng ý hình thức này mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe thể chất, tinh thần.
Về sức khỏe, thói quen đi bộ đều đặn, luyện tập cho chuyến trekking làm giảm thiểu nguy cơ về bệnh tim mạch, tai biến và đột quỵ, đồng thời giữ được huyết áp ổn định. Những người tham gia trekking còn duy trì độ dẻo dai của cơ đùi, cơ bắp chân và cơ hông, giảm nguy cơ nhức mỏi, chấn thương gân cốt hay tránh được các bệnh cơ xương khớp như thoái hóa cột sống, đau nhức khớp...
Thanh Thương (quận Bình Tân, TP.HCM) lại xem trekking như một hình thức xả stress, giúp thư giãn đầu óc, tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng.
“Với tôi, các chuyến đi chơi xa là cơ hội để tạm gác lại công việc, tập trung vào bản thân và thỏa mãn đam mê khám phá, ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời tại một vùng đất mới. Sau mỗi chuyến đi, tôi đều lấy lại được sự hứng khởi, tập trung trong công việc hơn”, du khách chia sẻ.
Cô cũng cho biết những ngột ngạt, căng thẳng của cuộc sống thường ngày chốn thành thị được xoa dịu khi được kết nối với thiên nhiên hùng vĩ, hít thở không khí trong lành, hoà mình với thiên nhiên.
|
Trekker cần chuẩn bị tinh thần và thể lực khi chinh phục những cung đường mới. Ảnh: Hayato Shin.
|
Tuy nhiên, khác với các loại hình du lịch truyền thống như nghỉ dưỡng, văn hóa, MICE, trải nghiệm hoạt động ngoài trời tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ như chấn thương, côn trùng đốt, yếu tố thời tiết.
Do đó, du khách cần tự trang bị cho mình kiến thức đi rừng, thường xuyên rèn luyện, tham gia hoạt động thể thao và lựa chọn những đơn vị khai thác sản phẩm du lịch uy tín tại các điểm đến để có chuyến đi an toàn, trải nghiệm trọn vẹn.
“Việc chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật dụng, đồ sơ cứu và đồ dùng cá nhân như đèn pin, còi cứu hộ, găng tay, áo mưa, thực phẩm cũng là điều cần thiết”, Minh Hảo đưa ra lời khuyên.
Theo Zing