Zing trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến xu hướng du lịch bụi.
Gần 70 năm qua, khái niệm "du lịch bụi" luôn gắn với những chuyến đi phượt của người trẻ.
Mang trên vai chiếc ba lô lớn, các phượt thủ di chuyển bằng phương tiện giá rẻ, tá túc trong nhà nghỉ bình dân, tìm việc làm thêm tại nơi dừng chân để có thêm kinh phí và trải nghiệm văn hóa.
"Văn hóa du lịch bụi rất đặc trưng, gọn nhẹ và tiết kiệm. 20 năm đi phượt giúp tôi được thỏa trí tò mò, có những trải nghiệm tuyệt vời dù già đi bao nhiêu tuổi chăng nữa", Kash Bhattacharya - nhà sáng lập website Budget Traveller - chia sẻ với CNN.
|
Du lịch bụi trở thành lựa chọn được giới trẻ ưa thích vì tính chất xê dịch, tiết kiệm và phiêu lưu. Ảnh: Getty.
|
Thiệt hại lớn vì dịch bệnh
Hình thức du lịch này xuất hiện vào những năm 1950-1960, khi “đường mòn hippie” - tuyến đường bộ nối liền giữa châu Âu và Đông Nam Á - trở nên phổ biến. Con đường này nổi tiếng tới mức Lonely Planet quyết định ra mắt cuốn sách hướng dẫn đầu tiên với tựa đề Across Asia on the Cheap vào năm 1973.
Theo CNN, mức giá hấp dẫn là nguyên nhân đằng sau sức hút khó cưỡng của xu hướng du lịch bụi. Dân phượt có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ từ việc di chuyển, ăn ở để có thể đi nhiều hơn, xa hơn, tùy vào nhu cầu cá nhân.
Dù là hình thức du lịch tự túc giá rẻ, xu hướng đi phượt lại đem về lợi nhuận khổng lồ cho ngành du lịch các nước. Theo Liên đoàn Du lịch Giáo dục và Sinh viên Thế giới (WYSETC), mỗi năm có khoảng 45 triệu chuyến phượt diễn ra, với mức chi trung bình năm 2017 là 4.000 USD/chuyến.
|
Đường Khao San, địa điểm yêu thích của dân phượt quốc tế, vắng bóng người qua lại vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters.
|
Tuy nhiên, Covid-19 buộc trào lưu này phải tạm dừng. Hầu hết quốc gia đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội, các chuyến bay giá rẻ không được cất cánh. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dịch bệnh khiến các hãng bay thiệt hại tổng cộng 157 tỷ USD trong năm 2020-2021.
Ngoài ra, giới chuyên gia ngành du lịch tin rằng các điểm đến sẽ yêu cầu du khách chi một khoản không nhỏ cho xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc. Do đó, dù thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, văn hóa du lịch bụi sẽ gặp nhiều khó khăn để tồn tại.
Điển hình cho tình cảnh này là Thái Lan - một trong những điểm đến được cộng đồng phượt thủ ưa thích nhất tại Đông Nam Á. Mỗi năm, xứ Chùa Vàng chào đón hơn 20 triệu lượt khách tới thăm thủ đô Bangkok, tụ tập đông đúc tại "con phố không ngủ" Khao San.
Nhưng nhiều tháng qua, nơi đây lại chìm vào tĩnh mịch khi các hàng ăn, quán bar… phải đóng cửa vì dịch bệnh. Vắng bóng du khách nước ngoài, chính quyền buộc phải khởi động dự án “Go to Khao San 2345” nhằm khuyến khích người dân tới đây tham quan, nghỉ dưỡng.
Hệ sinh thái doanh nghiệp suy yếu
Thực tế, những năm gần đây, hình ảnh dân phượt thường gắn với các hành vi không đẹp. CNN đưa tin Australia - điểm đến hàng đầu dành cho dân du lịch bụi - đang từng bước ngăn cản làn sóng phượt thủ du nhập vào nước này.
Năm 2017, xứ kangaroo từng gây tranh cãi khi đưa ra sáng kiến “thuế khách du lịch bụi”. Theo đó, các du khách theo diện visa lao động trong kỳ nghỉ có thể bị đánh thuế 15%, trong khi người Australia có ngưỡng miễn thuế thu nhập là 12.500 USD.
“Ngoài ra, phượt thủ có xu hướng khám phá vùng đất xa xôi, mua sắm và tương tác với người dân địa phương. Nếu quá đông đúc, họ có thể gây tổn hại tới môi trường, văn hóa bản địa do lối hành xử không đúng mực”, Denis Tolkach - trợ lý giáo sư Quản lý Khách sạn và Du lịch, ĐH Bách khoa Hong Kong - nói.
|
Không ít dân du lịch bụi có lối hành xử không đúng mực, ảnh hưởng đến văn hóa và đời sống của người dân bản xứ. Ảnh: Newshub.
|
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sống dựa vào hình thức du lịch bụi cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch. Phần lớn cơ sở kinh doanh đều lắp đặt tấm nhựa ngăn cách, cung cấp nước rửa tay và cơi nới khoảng cách chỗ ăn, ở cho du khách, song vẫn không tránh khỏi cảnh buôn bán ế ẩm.
Hiệp hội Nhà trọ Thanh niên ở Anh và xứ Wales, tổ chức phi lợi nhuận với hơn 150 khách sạn dành cho mọi đối tượng, nói với CNN rằng doanh thu năm 2020 của họ giảm 75%. James Blake, người đứng đầu tổ chức, cho biết họ buộc phải đóng cửa toàn bộ mạng lưới nhà nghỉ để tồn tại qua mùa dịch.
Trong khi đó, nhiều nhà nghỉ tư nhân quy mô nhỏ khác rơi vào cảnh phá sản vĩnh viễn, trong đó có Mitraa Inn (Singapore). Sau 15 năm hoạt động, Viji Jagadeesh - người sở hữu cơ sở lưu trú này - phải cầm cố trang sức, đồ đạc để có tiền hoàn trả cho khách bị hủy phòng.
Hy vọng khôi phục sau đại dịch
Trước khi Covid-19 xuất hiện, Will Hatton - chủ blog The Broke Backpacker - là người tổ chức nhiều chuyến du lịch bụi tới Pakistan, Iran và Kyrgyzstan. Anh cũng sở hữu một nhà nghỉ ở Bali, Indonesia dành riêng cho dân du mục công nghệ.
Một năm qua, Hatton phải hủy tất cả chuyến chu du mạo hiểm trong dự định, hoàn tiền cho khách hàng và hỗ trợ tài chính cho các đối tác địa phương.
“2020 thực sự là một năm khó khăn cho những người làm du lịch. Mọi dự án kinh doanh của tôi đều thua lỗ nặng nề”.
|
Những người đam mê xê dịch nóng lòng để được đi phượt trở lại sau đại dịch. Ảnh: Getty.
|
Dù vậy, anh vẫn hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ tốt lên trong thời gian tới. “Tôi tin thời điểm tệ nhất đã qua. Ngành du lịch nội địa đang dần khởi sắc, vắc-xin cũng đang được thử nghiệm và mọi người đều nóng lòng lên đường khám phá thế giới ngay khi có thể”.
Jenni Powell - Chủ tịch Hiệp hội Phượt thủ trẻ - cho rằng những người đam mê du lịch bụi vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch. Cũng theo Powell, phượt sẽ là hình thức du lịch phục hồi đầu tiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát do thế hệ trẻ “có khả năng chống chọi với khủng hoảng”.
Theo Zingnews