Có lẽ trong làng giải trí Việt không nhiều người được khán giả chú ý một cách đặc biệt như Trấn Thành. Anh làm bất cứ điều gì cũng đều thu hút lượng lớn những người quan tâm, bình phẩm.
Mới đây nhất, Trấn Thành xuất hiện trong họp báo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, giới thiệu về dự án riêng của anh. Với vai trò khách mời, Trấn Thành đã có những chia sẻ “gan ruột” về hào quang của người nghệ sĩ: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều, mọi người đều trải qua nhiều thăng trầm. Nếu mà ai thích tiền, thích hào quang thì cứ lên đây để nếm thử 4 chữ 'hào quang rực rỡ' đi rồi biết nó là cái gì!”. Nói xong, Trấn Thành khóc nức nở.
Rất nhanh chóng, khoảnh khắc đầy cảm xúc này của Trấn Thành lại lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Khắp các diễn đàn mạng đầy rẫy những lời miệt thị: “Lại khóc”, “Đúng Thành Cry”, “Làm màu quá, khóc mướn hay gì”…
Trên thực tế, việc Trấn Thành khóc không còn xa lạ với khán giả. Và việc cư dân mạng có những bình luận như thế, cũng không phải điều quá hiếm thấy.
Nhưng từ bao giờ việc 1 con người bật khóc khi thấy xúc động, khi thấy buồn lòng lại trở thành chủ đề “ném đá”, miệt thị?
Chúng ta đang sống trong xã hội tôn trọng sự bình đẳng, tôn trọng cái “Tôi” khác biệt của mỗi người. Ngày ngày chúng ta kêu gọi ngừng miệt thị ngoại hình của người khác, đấu tranh cho sự tự do. Thế nhưng một bộ phận người lại mỉa mai những cảm xúc của người khác, chê trách khi thấy người khác khóc?
Bản thân Trấn Thành từng thừa nhận anh là người không giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc. Tháng 9/2022, sau khi bị gắn cho rất nhiều biệt danh khó nghe về việc “hay khóc”, nam MC chia sẻ trên trang cá nhân:
“Tôi thừa nhận tôi là một người không quá giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi khi tôi xúc động với cái gì đó, tín hiệu nó báo lên não, não nó truyền lệnh xuống tuyến lệ, thế là tụi nó chui ra, tôi không ngăn lại được!
Bạn hãy tin là tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi làm không được! Bản chất tôi là như thế! Cứ hay đồng cảm, bao đồng, cảm cái này của người này, xót hoàn cảnh của người kia.”
Những giọt nước mắt của Trấn Thành từ trước đến nay, phải khẳng định rằng nó không hề vi phạm pháp luật, cũng chẳng làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Và chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng cảm xúc, cảm nhận của mỗi người về cùng sự việc là khác nhau. Khả năng tiết chế cảm xúc của mỗi người cũng không đồng nhất.
Chúng ta có thể đánh giá Trấn Thành kém trong khâu kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng không có quyền miệt thị việc anh khóc. Vì cảm xúc là thứ tự nhiên, là quyền của mỗi con người. Trấn Thành có quyền khóc, dù anh ấy là nghệ sĩ, ngôi sao. Vì dẫu sao, anh cũng chỉ là con người, có hỷ nộ ái ố, có cảm xúc và có giới hạn kiểm soát cảm xúc của riêng mình.
Nhưng trong buổi họp báo ra mắt phim của Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành khóc và bị chê trách cũng không hề oan. Nam MC đã quên mất rằng mình là khách mời, dù có xúc động, đồng cảm tới cỡ nào, anh cũng chỉ là “nhân vật phụ” trong buổi họp báo đó mà thôi.
Là nghệ sĩ, làm việc lâu năm trong giới giải trí, Trấn Thành đương nhiên hiểu chỉ cần một hành động đặc biệt của mình, sự chú ý của công chúng dành cho sản phẩm của chính chủ buổi họp báo sẽ bị san sẻ.
Anh đã vô tư khóc nấc lên ngay trên sân khấu, vô hình chung đã khiến mọi ống kính hướng về phía mình, khiến mọi thông tin xoay quanh những giọt nước mắt của mình, làm xao lãng sự chú ý của công chúng dành cho sản phẩm mà Đàm Vĩnh Hưng muốn giới thiệu.
Trấn Thành có thể không cố ý nhưng là người của công chúng, anh cần phải cân nhắc kỹ mọi hành động của mình, đặc biệt tại một sự kiện có sự xuất hiện của đông đảo truyền thông. Trấn Thành không sai khi khóc và công chúng, cũng đừng chỉ trích hành động đó của nam diễn viên. Tuy nhiên, Trấn Thành cũng cần phải tế nhị hơn, đừng để cảm xúc của mình lấn át những cái khác, đừng để những giọt nước mắt của mình - từ chân thành lại trở thành kém duyên.
Theo An Nguyên (VTCNews)