Đợt cao điểm du lịch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn ghi nhận kết quả ấn tượng của hoạt động du lịch, dịch vụ tại nhiều địa phương. Từ đó, tạo thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục có các giải pháp phát triển, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch từ nền tảng văn hóa, thu hút du khách.
Giàu bản sắc, tăng ấn tượng
Trở về sau chuyến du lịch dịp Tết Nguyên đán đến Cà Mau, Cần Thơ, du khách Đinh Ngọc Trang (quận Hà Đông, Hà Nội) hào hứng chia sẻ: Được tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền, cách trang trí nhà cửa, bày giỏ, chậu hoa, cây kiểng rực rỡ, chế biến nhiều món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của người dân miền Tây Nam Bộ là trải nghiệm khiến chị và gia đình nhớ mãi. Tại điểm đến du lịch cộng đồng Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ, lần đầu tiên chị Trang biết cách “pha chế” nước màu để tạo sắc tím cho chiếc bánh tét từ lá cẩm hay gói bánh tét với nhân bánh từ chuối, trứng muối, sâm, rất độc đáo.
|
Giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái tại Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh tư liệu: Ánh Tuyết/TTXVN |
Nhận định về hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đại diện ngành Du lịch nhiều địa phương đều cho rằng, những nét văn hóa bản địa đặc sắc thể hiện qua phong tục đón Tết, nghi lễ tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, các di tích văn hóa - lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của người dân, đặc sản ẩm thực là những nguyên liệu nổi bật làm nên sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế. Văn hóa địa phương càng độc đáo, đặc sắc, trải nghiệm của du khách càng đáng nhớ và đậm sâu.
Thành phố Hồ Chí Minh - nơi được vinh danh là Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á (thuộc khuôn khổ Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards 2023) có nhiều sự kiện thu hút lượng lớn du khách trong dịp Tết như Chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền, Lễ hội Tết Việt, Đường hoa Nguyễn Huệ. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn đón trên 1,2 triệu lượt khách đến tham quan. Chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền mang nét đặc trưng văn hóa vùng sông nước thu hút trên 3 triệu lượt khách đến thưởng lãm, mua sắm. Lễ hội Tết Việt 2024 thể hiện sinh động vẻ đẹp Tết phương Nam thu hút trên 90.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tại thành phố Cần Thơ, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 8/2 đến 14/2, ngành Du lịch địa phương đón khoảng 398.000 lượt khách. Các điểm thu hút khách du lịch là các điểm đến đậm bản sắc văn hóa đô thị sông nước, miệt vườn như chợ nổi Cái Răng, khu vực bến Ninh Kiều, Khu Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Cồn Sơn, các điểm du lịch sinh thái…
Tương tự, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, dịp Tết Nguyên đán, các chương trình tour đậm bản sắc văn hóa xứ Dừa như tham quan, trải nghiệm hoạt động đón Tết, các điểm đến tái hiện khung cảnh Tết xưa, đặc sản ẩm thực gắn với dừa, các trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, du lịch Bến Tre đón trên 90.600 lượt du khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ đạt trên 95 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát triển sản phẩm gắn trải nghiệm văn hóa
Khai thác, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa là một trong các dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành Du lịch đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong “Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20% - 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Tiếp tục coi trọng phát triển các sản phẩm du lịch từ tài nguyên văn hóa bản địa, nhiều địa phương đề ra giải pháp nhằm duy trì và gia tăng sức hút cho du lịch thời gian tới. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho du khách.
Trong năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng các chương trình du lịch trải nghiệm gắn bản sắc văn hóa, cảnh sắc tươi đẹp như: trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc, du lịch “đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản” quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành,…
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ thông tin, trong những đợt cao điểm du lịch như kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa du lịch Hè, các sản phẩm du lịch gắn trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa tại các điểm đến nổi bật của thành phố như chợ nổi Cái Răng, đền thờ Vua Hùng, Khu du lịch Mỹ Khánh, Cồn Sơn... luôn thu hút du khách.
Thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi để các đơn vị quản lý điểm đến, các di tích, di sản làm mới sản phẩm, phát triển các tour du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với các giá trị, nội dung lịch sử, văn hóa của di tích, di sản. Thành phố phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa cộng đồng sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn. Cần Thơ tiếp tục tổ chức các lễ hội, sự kiện gắn với bản sắc văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đô thị sông nước Cần Thơ nói riêng, đó là: lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, lễ hội Vườn trái cây Tân Lộc, Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng”, góp phần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, xứng tầm đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Thanh Trà/TTXVN