Dạo quanh một vòng phố cổ Hội An (Quảng Nam) phóng viên Báo Nhà báo và Công luận dừng lại nghỉ chân ở quán cà phê nhỏ xinh, bắt chuyện với chị chủ quán và hỏi về những địa điểm khách du lịch nên đến. Chị vui vẻ kể cho chúng tôi rất nhiều điểm đến thú vị và đáng trải nghiệm trong đó có làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, Thành phố Hội An, cách trung tâm Hội An khoảng 3km về hướng Tây Bắc.
Nhâm nhi xong tách cafe, chúng tôi thuê một chiếc xe máy rồi di chuyển mất 20 phút là tới làng rau Trà Quế. Bạn đồng hành cùng tôi là Hương Trà. Xuống xe, hai người chúng tôi háo hức chạy ngay ra vườn rau tươi mát, ngon lành.
Thấy vài người nông dân đang chăm sóc vườn rau, tôi cùng Trà lại gần và ngỏ ý muốn được hóa thân thành người nông dân chính hiệu, các cô các chú đồng ý ngay và còn giới thiệu cho hai đứa tỉ mỉ cách xới đất, gieo hạt, tưới cây và thu hoạch rau.
|
Vườn rau Trà Quế Hội An, điểm trải nghiệm thu hút nhiều du khách.
|
Tò mò về nguồn gốc của làng Trà Quế, chú Tiến vừa tưới rau vừa nói: “Xưa kia, làng Trà Quế vốn gắn bó với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vì nằm bên nhánh sông Cổ Cò. Sau đó, dân làng nhận thấy vùng đất ven sông quanh năm được phù sa bồi đắp giúp cây cối tốt tươi, trù phú, họ quyết định làm thêm nghề phụ là nghề trồng rau. Tận dụng được nguồn nước tưới tiêu từ sông, đặc biệt là lượng rong dưới đầm có thể dùng làm phân bón, giúp đất phì nhiêu, màu mỡ hơn… nhờ đó nghề trồng rau dần phát triển. Trồng rau dần trở thành nghề chính của người dân làng Trà Quế”.
Còn về cái tên Trà Quế, chú Tiến nói tiếp: “Tên gọi này xuất phát từ câu chuyện thời vua Nguyễn, thế kỷ XVIII, một vị vua triều Nguyễn trong lần du ngoạn sông Đế Võng, nghe tiếng tăm về ngôi làng có nhiều loại rau thơm, lạ nên vua quyết định ghé chân thưởng thức hương vị các món ăn nơi đây. Trong đó, có một loại rau có vị cay như quế nhưng lại thơm hương hoa trà, vua cực kỳ ấn tượng và đặt tên cho nơi này là vùng đất Trà Quế".
Đến nay, làng rau Trà Quế Hội An vẫn còn duy trì phương pháp trồng rau hữu cơ từ xa xưa. Để xứng với tên vua triều Nguyễn ban tặng, làng rau Trà Quế chỉ trồng các loại rau gia vị như hành, húng, tía tô, ngò… Cách thức chăm sóc rau xanh ở đây cũng rất tỉ mỉ. Nước tưới rau là nguồn nước sạch trong lòng đất và được bón bởi lượng rong vớt từ đầm. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến rau ở đây luôn xanh tốt.
Chú Tiến giới thiệu ở đây có 40 loại rau, trong đó nổi bật phải kể đến rau thơm. Vẫn là hành, răm, tía tô, húng, rau mùi nhưng rau Trà Quế thơm và có vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu được. Gia đình chú canh tác trên mảnh đất rộng hơn 1.000 m2, hàng chục năm qua, trung bình mỗi năm chú thu về cả trăm triệu đồng.
Bên vườn rau xanh tươi và cảnh quan yên bình tại làng rau Trà Quế, du khách chắc chắn không thể quên check in. Chúng tôi chụp cho nhau những bức ảnh mộc mạc từ nhiều góc chụp độc đáo. Lưu lại những kỷ niệm đẹp cùng người dân nơi đây một cách chân thật và bình dị nhất.
|
Du khách chụp cho nhau những bức ảnh mộc mạc từ nhiều góc chụp độc đáo.
|
Mấy đoàn khách đến đây ai ai cũng hồ hởi, xắn áo quần để “nhập vai” nhà nông. Chia sẻ nhanh về cảm nhận nơi đây, một du khách nước ngoài cho biết: “Tham quan, trải nghiệm tại làng rau Trà Quế, chúng tôi thật sự rất vui, ấn tượng về vùng đất yên bình, con người tốt bụng. Phương pháp canh tác của người dân rất an toàn và thân thiện với môi trường”.
“Khi được tham gia hoạt động làm vườn cùng người dân địa phương, mình mới nhận thức được sự cố gắng của người dân trong việc giữ gìn và phát triển nghề nghiệp truyền thống của tổ tiên. Nơi này để lại cho mình nhiều ấn tượng, mình đã thử sức chịu đựng sức nặng của hai chiếc thùng tưới rau trên vai, bấm chân qua những đồng rau, cùng dòng nước chảy nhẹ. Bàn tay nặng nề, nhưng lòng mình tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả” - Trà bạn đồng hành cùng tôi bộc bạch cảm xúc.
Đúng như Trà nói, mặc dù có chút thấm mệt khi hoạt động tay chân cả buổi nhưng đảm bảo sau khi kết thúc công việc, du khách sẽ hiểu thêm về cuộc sống của một người làm nông cũng như cảm nhận được sự dung dị nơi làng quê thôn xóm.
Chào tạm biệt chú Tiến, tôi và Trà lại rủ nhau tham gia vào lớp học nấu ăn ở chính tại làng rau Trà Quế. Chúng tôi được các đầu bếp hướng dẫn cách lựa chọn nguyên liệu và chế biến những món ăn đặc sản của Hội An như bánh xèo, mì Quảng và có thể trực tiếp thưởng thức sau khi làm xong. Những món ăn ở đây mang lại cảm giác ngon lạ thường, giúp quên đi những giờ lao động trước đó. Chẳng mấy chốc, món ăn đã "biến mất", chỉ để lại hương vị ngon khó quên.
|
Những món ăn ở đây khi đưa vào miệng cảm giác ngon lạ thường, quên đi những giờ lao động trước đó, chẳng mấy chốc, món ăn đã “biến mất”, chỉ để lại niềm vị ngon khó quên.
|
Được biết, năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề trồng rau Trà Quế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự không chỉ đối với người dân xã Cẩm Hà mà còn với người dân thành phố Hội An và là bước tiến quan trọng giúp Hội An trên con đường gia nhập vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo UNESCO”.
Chia tay làng Trà Quế, tôi và Trà lại ngồi trên chiếc xe máy để di chuyển đến những địa điểm khác. Hai đứa hứa hẹn với nhau rằng nếu có cơ hội chắc chắn sẽ quay lại nơi này.
Theo PV/Công Luận