Bị phạt 5 triệu đồng vì tung tin “lễ hội sờ ngực từ thiện”
Trưa 31/7, CA quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã ký quyết định xử phạt 5 triệu đồng với đối tượng phao tin bịa đặt về “lễ hội sờ ngực từ thiện” tại địa phương này. Ngoài việc nộp phạt, đối tượng phải cam kết gỡ bỏ nội dung trên Facebook.
Người bị xử phạt là Nguyễn Kim Anh (30 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An). Tại trụ sở công an, Kim Anh thừa nhận đọc được thông tin trên mạng và sao chép lại, chỉnh sửa cho hấp dẫn rồi đăng lên Facebook để “câu like”.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ngày 15-30/7, tại Công viên 29/3 (TP Đà Nẵng) sẽ diễn ra “lễ hội sờ ngực từ thiện”. Theo đó, mỗi người đàn ông sẽ bỏ ra 50 ngàn để sờ ngực các cô gái từ 16 – 22 tuổi. Số tiền thu được sẽ đem ủng hộ cho những người khuyết tật.
Thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa của địa phương nói riêng và văn hóa người Việt nói chung.
Tung tin rơi máy bay ở Nội Bài: bị phạt 10-20 triệu đồng
Ngày 20/7, một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã đăng một số hình ảnh chiếc máy bay nằm cánh đồng kèm dòng trạng thái: “Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này”. Thông tin này khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
|
Thông tin rơi máy bay ở Nội Bài gây hoang mang dư luận. |
Ngay trong chiều 20/7, nhà chức trách đã bác bỏ thông tin trên.
Sau đó, cơ quan chức năng xác định người đăng thông tin trên là Phạm Thị Mùi. Phạm Thị Mùi khai ngày 20/7 vào trang cá nhân của một người thấy 5 hình ảnh máy bay rơi, cùng thời điểm Hà Nội đang mưa to nên tin là thật nên đăng lại nhằm câu like, tăng lượt người theo dõi phục vụ hoạt động bán hàng mỹ phẩm trên mạng của mình.
Đối tượng này bị xác định đã vi phạm điều 66 Nghị định 174 với lỗi "cung cấp, trao đổi, truyền hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, uy tín của người khác". Mức phạt với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng.
PC50 đã chuyển hồ sơ vụ việc và Phạm Thị Mùi cho Công an quận Thanh Xuân để xử lý hành chính theo thẩm quyền.
Bị phạt hơn 12 triệu đồng vì bịa tin bắt cóc trẻ em ở Đà Nẵng
Tối 6/6, một tài khoản cá nhân đăng tải thông tin nghe kể về một nhóm 8 người đã thực hiện ít nhất hai vụ bắt cóc trẻ em tại quận Liên Chiểu. Thông tin này nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng.
|
Vì mục đích bán hàng online mà chủ tài khoản này đã bịa đặt câu chuyện trẻ em bị bắt cóc. |
Sau đó, chủ tài khoản cá nhân trên là Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) bị công an triệu tập. Ngọc khai cô bịa đặt chuyện bắt cóc trẻ em để “câu like”, muốn có nhiều người biết đến trang Facebook của mình để kinh doanh online.
Ngày 12/6, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết căn cứ Nghị định 174/2013/NĐ-CP đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng với Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) vì bịa đặt thông tin bắt cóc trẻ em trên Facebook cá nhân.
Hai vợ chồng “sáng tác” tin đồn dịch Ebola ở Việt Nam bị phạt 20 triệu đồng
Ngày 11/8/2016, cộng đồng mạng xôn xao khi một tài khoản cá nhân đăng tải bài viết trên Facebook với nội dung: “Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”.
Sau đó, một tài khoản cá nhân khác cũng đăng tin với nội dung: “Thông báo: dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam mình biết tin này qua bác sĩ người nhà, gọi điện về thông báo cho con cái. Việc này rất nguy hiểm, mọi người cố gắng sát khuẩn sạch sẽ bằng cách cho cồn 70 độ hoà vào chai Betadine xịt vào tay và quần áo. Cầu mong dịch này mau qua đi, sợ quá rồi. Mình thông báo tin này cho mọi người cố gắng tự ý thức để dịch không lây lan rộng”.
Theo điều tra, chủ hai tài khoản đăng tin về dịch bệnh Ebola đã tới Việt Nam là Đỗ Thuỳ Linh (29 tuổi) và Vương Bá Huy (31 tuổi). Linh và Huy là hai vợ chồng. Khi bị cơ quan chức năng triệu tập, Linh và Huy thừa nhận đã tự nghĩ ra câu chuyện và đưa thông tin sai sự thật với mục đích cảnh báo trong cộng đồng.
Linh và Huy bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng theo Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Hiện mạng xã hội vẫn liên tục xuất hiện những thông tin được cho là bịa đặt, câu like. Một trong số đó là những người buôn bán hàng online, kinh doanh mỹ phẩm, điện tử… muốn gây sự chú ý và có nhiều người theo dõi nên đã cố tình “sáng tác” những câu chuyện không có thật.
Thậm chí, như những dẫn chứng ở trên có thể gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Phạt tiền, phạt hành chính, có thể bị truy tố là cái giá phải trả cho những hành động này.
Theo Đỗ Quyên/Tiền Phong