Ngày 8/11, trong buổi lễ Tuyên dương các nhà giáo Thủ đô có nhiều đổi mới, sáng tạo và tâm huyết trong dạy học, cô giáo 9x Phan Hồng Anh - giáo viên dạy môn Toán trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã thu hút được nhiều sự chú ý khi được đứng cạnh các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục kỳ cựu để nhận bằng khen.
Đây là sự ghi nhận, tôn vinh trước những sáng tạo, đổi mới của cô Phan Hồng Anh trong vai trò giáo viên chủ nhiệm.
Kết nối với học sinh bằng facebook, zalo
Tuổi đời còn rất trẻ, lại nổi tiếng xinh đẹp, do đó, không ít người đã thắc mắc rằng, liệu đứng trước những học trò “lớn hơn” cô, liệu cô giáo Phan Hồng Anh có bị làm khó?
|
Cô giáo Phan Hồng Anh. |
Nữ giáo viên vui vẻ chia sẻ, nhiều lúc cô cũng rất run, vì khó có thể tạo dựng hình ảnh của một giáo viên nghiêm khắc như những giáo viên giàu kinh nghiệm khác, nhưng may mắn được dạy trong trường THPT Amsterdam, nên ít khi gặp phải những “quái chiêu” của học trò.
“Tuy nhiên cũng có một khó khăn mà đa phần các giáo viên chủ nhiệm hiện nay đều gặp phải, đó là ở tuổi này, học sinh có cái tôi rất cao, các em có ý thức về khả năng của bản thân, mong muốn được người lớn tôn trọng. Đó là nhu cầu chính đáng. Trước những khó khăn của mỗi em lại cần có những cách giải quyết, tư vấn khác nhau. Nếu không lắng nghe các em, quả thực rất khó để làm bạn và hiểu học trò của mình”, cô Hồng Anh chia sẻ.
Nói về học sinh thời nay, cô giáo 9x cho biết, thời cô còn ngồi trên ghế nhà trường, khoảng cách giữa giáo viên và học sinh có phần xa hơn, phần do hoàn cảnh chung, phần do học sinh thời đó khá rụt rè. Thế hệ học sinh thời nay đã chủ động, sáng tạo, các em luôn mong muốn được chia sẻ cùng thầy cô không chỉ những vấn đề trong học tập mà cả những vấn đề khác trong cuộc sống, tình yêu, tình bạn.
Chủ nhiệm học sinh khối THPT, cô giáo Hồng Anh cho biết, do những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi, các em sẽ có những rung động đầu đời, đây là điều rất tự nhiên, các em có thể cảm mến nhau qua những tiếng hát, nụ cười đẹp…
“Tôi không có quan niệm cần cấm đoán chuyện tình yêu tuổi học trò, mà sẵn sàng chia sẻ thẳng thắn với các em trong chuyện tình bạn, tình yêu. Khi các em cảm nhận được sự đồng cảm, và tôn trọng, các em sẽ mở lòng để nói ra những suy nghĩ thật của mình với cô. Như vậy mình sẽ dễ dàng định hướng và tư vấn cho các em hơn”, Hồng Anh bật mí.
Tâm lý, gần gũi là thế, nhưng cô giáo trẻ Phan Hồng Anh cũng khẳng định rằng, kỷ luật, quy tắc chung là điều không thể thiếu trong môi trường giáo dục.
Tuy vậy, những quy định trong lớp học, chế tài xử phạt khi vi phạm, học sinh lớp cô đều được quyền tự thảo luận để ra quyết định cuối cùng.
Cô vẫn nói vui rằng, học sinh trong lớp vừa là người “lập pháp” đồng thời cũng là người “hành pháp”.
“Các em tự đưa ra những quy định và phải tuân theo, các em có quyền được theo dõi bản thân và theo dõi các bạn trong lớp. Với hình thức này, tinh thần chủ động, dân chủ trong lớp học được phát huy tối đa", cô giáo 9X cho biết.
“Tôi không chủ trương để các em phải sợ, hay khiến các em cảm thấy mình là một nhà độc tài. Khi cô giáo có thể quan tâm, gần gũi các em như người mẹ, người chị, người bạn, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng”, cô Hồng Anh cho hay.
Ngoài ra, cô giáo 9x cũng chia sẻ, facebook, zalo là một trong những tiện ích để cô kết nối, nắm bắt thông tin và làm bạn với học sinh hiệu quả. Thông qua các kênh này, nhiều học sinh có thể nhắn tin hỏi bài khi cần hoặc tâm sự cả những điều khó nói trực tiếp.
Đổi mới tiết sinh hoạt
Trong bản giới thiệu về cô giáo Phan Hồng Anh do ban tổ chức lễ tuyên dương cung cấp, những thông tin về thành tích của cô Hồng Anh được tóm tắt: Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Phan Hồng Anh đã thực hiện đổi mới các tiết sinh hoạt thông qua các hoạt động giáo dục. Sau những tiết sinh hoạt với nội dung được nâng cao chất lượng, sử dụng phương pháp tổ chức các hoạt động tích cực, khắc phục lối sinh hoạt quen thuộc đã trở nên nhàm chán, cô được rất nhiều học sinh yêu thích, và mong chờ đến tiết sinh hoạt.
Qua các hoạt động, học sinh sẽ được rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng kiểm soát cảm xúc, thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, lắng nghe tích cực, giải quyết mâu thuẫn...
Các học sinh được tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
|
Cô Hồng Anh chia sẻ, khoảng cách tuổi tác với học trò không chênh lệch nhiều khiến cô giáo sinh năm 1991 dễ dàng trong việc nắm bắt tâm lý các em. (Ảnh: FBNV) |
Thế nhưng khi nói về bản thân, Hồng Anh luôn khiêm tốn cho rằng bản thân chưa có nhiều cống hiến, việc được tuyên dương là một sự may mắn lớn.
Năm học 2016-2017, cô giáo 9X đã hệ thống và hoàn thiện chuyên đề: “Nâng cao chất lượng trong buổi sinh hoạt lớp bằng các giải pháp tổ chức hoạt động giáo dục tích cực hóa học sinh”.
Với sự sáng tạo, thay đổi cách tổ chức tiết sinh hoạt cuối tuần cô giáo Hồng Anh đã gây ấn tượng về chuyên môn và đạt danh hiệu “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp toàn quốc, nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hào hứng khi chia sẻ về tiết sinh hoạt lớp, cô Hồng Anh cho biết, bản thân từng là học sinh, cô hiểu cảm giác căng thẳng khi đa phần các thầy cô giáo hay tập trung vào những hoạt động như sơ kết tuần, phê bình, nhận xét những ưu nhược điểm của học sinh trong tuần.
Do đó, khi đứng trên vị trí của người thầy, cô Hồng Anh luôn trăn trở với việc tìm cách đổi mới những tiết sinh hoạt khiến học sinh mệt mỏi, sợ hãi thành những giờ sinh hoạt, buổi ngoại khóa bồi đắp kỹ năng sống cho các em học sinh.
Từ đó, cô giáo trẻ đã đưa ra ý tưởng, tổ chức sinh hoạt lớp theo chủ đề. Tùy theo nội dung, cô trò có thể tiến hành tiết sinh hoạt ngay trong lớp hoặc đi dã ngoại.
Trong một buổi sinh hoạt lớp mới đây, cô Hồng Anh đã cho học sinh tìm hiểu về áo dài với mong muốn giúp các em hiểu hơn về lịch sử của trang phục truyền thống trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa. Với nội dung này, các học sinh cũng tự dàn dựng các clip về hình ảnh áo dài trong học đường, quảng bá hình ảnh áo dài với bạn bè quốc tế, cuối cùng là phần tranh luận và phản biện.
Chia sẻ về những tiết sinh hoạt “không giống ai”, cô giáo trẻ cho biết, bản thân cô cũng rất lo lắng, vì khi thay đổi phương thức, học sinh sẽ phải chuẩn bị rất nhiều, có thể các em sẽ “ngại làm”. Nhưng điều bất ngờ là học sinh lại rất hào hứng, đợi chờ đến các tiết sinh hoạt.
Qua nhiều nỗ lực cố gắng, đến nay, cô giáo trẻ Phan Hồng Anh không chỉ là cái tên quen thuộc, giành được nhiều tình cảm yêu mến từ các học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, mà còn là một trong những giáo viên trẻ “đình đám”, nổi tiếng của Hà Nội.
Theo Nguyễn Trang/VOV News