Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, đặc biệt tại các huyện miền núi và vùng trũng thấp.
|
Nước sông Lô dâng cao tại địa bàn thành phố Tuyên Quang (Ảnh: NVCC). |
Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn và tình trạng lũ ống đã xảy ra trên khắp các huyện và thành phố trong tỉnh. Tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, TP Tuyên Quang và Sơn Dương, mực nước trên hệ thống sông Gâm, sông Lô đã đạt đến mức báo động 1 và 2, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng nghìn người dân.
|
Nhiều nhà dân ở các huyện miền núi Tuyên Quang chìm trong biển nước (Ảnh:NVCC). |
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Ánh, người dân tại Kim Bình - Chiêm Hóa cho biết: "Trời mưa liên tục mấy ngày nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi được các cơ quan chức năng hỗ trợ di dời đồ đạc lên cao, nhưng vẫn lo lắng cho nhà cửa và tài sản".
Bà Ma Thị Phương ở Phúc Sơn - Lâm Bình chia sẻ: "Mùa màng năm nay coi như mất trắng. Ruộng lúa của gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn đã ngập úng hoàn toàn, và giờ chỉ biết nhìn mồ hôi công sức của mình trôi theo dòng nước".
|
Mực nước tại cầu Chiêm Hóa ngày một dâng cao (Ảnh: NVCC) |
Các địa phương đã ghi nhận nhiều vụ sạt lở đất, khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây khó khăn cho việc di chuyển và cứu hộ. Nhiều hộ dân đã phải di dời khẩn cấp do nước lũ dâng cao.
|
Đoạn đèo Bụt (Minh Quang - Lâm Bình) bị sạt lở, giao thông tê liệt (Ảnh: NVCC). |
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang căng mình triển khai các biện pháp phòng chống. Lực lượng Công an, Quân sự tỉnh và các đoàn thể đã huy động nhân lực để di chuyển người dân từ những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
|
Hoa màu của nhiều bà con trên địa bàn tỉnh đều bị thiệt hại (Ảnh: NVCC). |
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã có công điện khẩn gửi Công ty Thủy điện Tuyên Quang yêu cầu thực hiện các biện pháp xả lũ.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) có công điện khẩn gửi Công ty Thủy điện Tuyên Quang yêu cầu thực hiện các biện pháp xả lũ (Ảnh: Internet). |
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, vào lúc 12h00 ngày 9/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang đã đạt cao trình 118,66m, với lưu lượng nước đến hồ là 6.735m³/s và lưu lượng xả là 4.356m³/s. Tình hình này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc mở cửa xả lũ để giảm áp lực cho hồ và đảm bảo an toàn cho khu vực ven sông.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 7 vào lúc 14h00 và xả đáy thứ 8 vào lúc 15h00 cùng ngày. Đây là một phần trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, và Hà Nội tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền và người dân về việc xả lũ. Điều này bao gồm các hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, và các phương tiện vận tải thủy.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với chủ hồ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xả lũ. Các đơn vị chức năng cũng được yêu cầu rà soát các công trình thi công, khai thác cát sỏi để đảm bảo an toàn trong quá trình xả lũ.
Theo Ma Thị Kim Thoa/Người đưa tin